Những thay đổi của Phần Lan sau khi chính thức gia nhập NATO

Một trong những lợi ích lớn nhất mà Phần Lan sẽ được hưởng khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là được bảo vệ theo Điều 5 trong Hiến chương của liên minh. Nguyên tắc phòng thủ tập thể quy định một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Phần Lan sẽ chính thức gia nhập liên minh quân sự này vào ngày 4/4.

Trong ngày này, tại trụ sở NATO, quốc kỳ Phần Lan sẽ được giương cao. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen và Ngoại trưởng Pekka Haavisto sẽ tới Brussels vào ngày này để tham dự lễ kết nạp. Dự kiến nhà lãnh đạo Niinisto và Tổng thư ký NATO Stoltenberg sẽ có bài phát biểu tại sự kiện. Lễ kết nạp rơi vào đúng vào lễ kỷ niệm 74 năm thành lập NATO.

“Đây là một ngày tốt cho an ninh Phần Lan, cho an ninh Bắc Âu và cho an ninh của toàn bộ NATO”, Tổng thư ký Stoltenberg phát biểu trước giới truyền thông ngày 3/4 trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng liên minh ở Brussels.

Quốc kỳ của các nước thành viên NATO giương cao bên ngoài trụ sở tại Brussels. Ảnh: AFP

“Đó là một khoảnh khắc lịch sử đối với chúng tôi. Đối với Phần Lan, mục tiêu quan trọng nhất tại cuộc họp sẽ là nhấn mạnh sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraine khi Nga tiếp tục gây hấn bất hợp pháp. Chúng tôi tìm cách thúc đẩy sự ổn định và an ninh trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”, Ngoại trưởng Haavisto tuyên bố.

Lars Kahre, một doanh nhân đến từ Helsinki, cho biết quyết định từ bỏ không liên kết quân sự của nước này xuất phát từ những thay đổi ở châu Âu trong năm qua. “Trong một thời gian dài, chúng tôi đã phụ thuộc vào sự độc lập và quan điểm trung lập của mình. Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng đó không phải là con đường của tương lai mà cần tìm kiếm những lựa chọn mới”, Lars Kahre chia sẻ với hãng tin AP.

Lý do hầu hết các quốc gia tham gia NATO là do điều khoản Điều 5 trong Hiến chương của liên minh này. Giống như tất cả các thành viên NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh tập thể rằng một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.

Mặc dù Phần Lan tự hào có 280.000 quân chính quy, khoảng 900.000 quân dự bị được trang bị và huấn luyện tốt song lực lượng vũ trang thường trực của họ chỉ có 23.000 quân. 60 máy bay chiến đấu, 250 phương tiện chiến đấu được cho là khá đầy đủ đối với một quốc gia có quy mô binh sĩ như vậy nhưng thực sự không đủ trong trường hợp đối đầu với một cường quốc như Nga. Bằng cách gia nhập một liên minh có quân số tổng cộng 3,3 triệu người và có lượng thiết bị chiến đấu lên tới hàng nghìn, Phần Lan sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ lãnh thổ của mình.

Tư cách thành viên của Phần Lan cũng sẽ giúp giải quyết sự mơ hồ trong chính sách hiện tại về trách nhiệm của liên minh NATO đối với các nước Bắc Âu không phải là thành viên. Trong nhiều năm qua, mặc dù Phần Lan đóng góp tương đối trong các hoạt động khác nhau của NATO và có mối quan hệ song phương chặt chẽ với nhiều đồng minh, song mức độ hỗ trợ mà NATO sẽ cung cấp cho Helsinki trước sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga trong khu vực vẫn còn là một ẩn số.

Bên cạnh đó, những lời chỉ trích về việc Phần Lan “nương tựa” NATO mà không đóng góp gì cũng sẽ chấm dứt. Tháng 11/2014, khi được hỏi về tư cách của Phần Lan liên quan đến phòng thủ tập thể của NATO, cựu Thủ tướng Alex Stubb đã thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi không phải là hành khách”. Sự thiếu rõ ràng và quan điểm tiêu cực đang bao trùm mối quan hệ tạo ra một vùng xám chiến lược ở Bắc Âu mà giới quan sát lo ngại Nga có thể dễ dàng tận dụng lỗ hổng này. Với tư cách thành viên chính thức, xích mích giữa hai bên sẽ được loại bỏ, tạo ra quyết tâm và cam kết lớn hơn ở Brussels và Helsinki.

Gia nhập NATO cũng sẽ mở ra con đường hội nhập hoạt động của Phần Lan với lực lượng liên minh. Phần Lan thường thấy mình bị bỏ rơi khi NATO làm việc thông qua các kế hoạch, đặc biệt là những kịch bản liên quan đến các hoạt động theo Điều 5. Quốc gia này tham gia vào một số cuộc tập trận và hoạt động của NATO như ở Balkan và Afghanistan. Tuy nhiên, Phần Lan cũng nhận được những cảnh báo vì tư cách không phải là thành viên, chẳng hạn như mức độ tham gia trong sứ mệnh kiểm soát trên không của NATO ở Iceland, do đó làm phức tạp thêm quá trình cân nhắc kế hoạch của cả hai bên. Khi trọng tâm tiếp tục dịch chuyển đến gần hơn với các nước láng giềng Baltic, Phần Lan muốn những suy nghĩ của mình được NATO xem trọng khi cân nhắc bất kỳ kế hoạch hoạt động nào về an ninh Bắc Âu-Baltic.

Cuối cùng, việc gia nhập NATO sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong bối cảnh vũ khí quân sự ngày càng đắt đỏ. Phần Lan đang phải đối mặt với những hạn chế chi tiêu quốc phòng đáng kể. Bằng cách gia nhập một tổ chức chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quốc phòng của thế giới, Phần Lan sẽ nhận được những lợi ích nhất định về chi phí. Điều này sẽ mang lại cho Helsinki không gian tài chính cần thiết để tập trung vào các ưu tiên cụ thể, đồng thời tận dụng các tài sản khác sẵn có trong liên minh.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Tổng thống Sauli Niinistö công bố quyết định gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Ảnh: AFP

Trong quá khứ, mặc dù có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với NATO, Phần Lan vẫn coi mình là "không liên kết" về mặt quân sự. Đó là cách Phần Lan sống sót sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, giờ đây, Phần Lan cho rằng cần một sự thay đổi chính sách triệt để để có thể thiết lập lại môi trường an ninh ở châu Âu.

Theo hãng tin AP, với việc gia nhập NATO chính thức, tư cách thành viên Phần Lan cũng sẽ chính thức hóa công tác an ninh và phòng thủ chung với các nước láng giềng Đan Mạch, Na Uy và Iceland theo cách mà hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO) không có được.

Nhà nghiên cứu Minna Ålander thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế của Italy chỉ ra NORDEFCO là một “mê cung được tạo ra từ nhiều thành phần khác nhau’, ám chỉ tới một số nước trong khu vực thuộc EU, số khác lại thuộc NATO và các tổ chức khác. Bà nhận định nếu tất cả các nước Bắc Âu tham gia cùng một liên minh quân sự, điều đó sẽ tạo điều kiện hợp tác sâu rộng nhất từ trước đến nay về an ninh và quốc phòng.

Việc gia nhập cũng sẽ "thắt chặt sự kiểm soát chiến lược của Bắc Âu đối với Biển Baltic – nơi được cho là trọng điểm hàng hải của Nga tới thành phố St. Petersburg và vùng Kaliningrad.

Đối với Phần Lan, quyết định gia nhập NATO thiên về lý do địa chính trị nhiều hơn. Mối đe dọa từ Nga đang ngày càng trở nên hữu hình hơn do hai nước chia sẻ chung đường biên giới dài 1.335 km. “Phần Lan là quốc gia dễ bị tổn thương và chúng tôi cần được bảo vệ”, cựu Thủ tướng Carl Bildt trả lời phỏng vấn đài CNN.

Với việc Phần Lan gia nhập, đường biên giới giữa NATO và Nga sẽ tăng gấp đôi kể từ ngày 4/4. Đây có thể coi là một đòn ngoại giao đối với Nga bởi Moskva tuyên bố một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là ngăn NATO mở rộng đến sát biên giới Nga.

"Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương Nga-Phần Lan. Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các lĩnh vực khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nảy sinh trong vấn đề này”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao được đưa ra sau khi quốc gia Bắc Âu thông báo nộp đơn gia nhập NATO.

Theo TTXVN/Báo Tin tức