Về xã An Hải hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi từ diện mạo nông thôn đến đời sống người dân được nâng cao. Đồng chí Trương Thị Phương Trang, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Sau khi về đích NTM vào năm 2019, xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, thôn kiểu mẫu. Để xây dựng xã NTM nâng cao, những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, xã còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân trong xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia.
Nông dân xã An Hải trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cao.
An Hải hiện có 5.034 hộ/18.638 nhân khẩu, sinh sống trên 7 địa bàn dân cư. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại. Từ nền tảng được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019, xã xác định sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chủ đạo nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiềm lực xây dựng NTM nâng cao. Xã đã tập trung vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây, con có chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; thành lập và duy trì hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thông qua Chương trình MTQG xây dựng NTM, xã đã triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình cánh đồng lớn trồng măng tây xanh, với diện tích 60 ha; mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn; sản xuất nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP...; hỗ trợ triển khai các mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo và sinh sản... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, xã còn mở rộng phát triển các ngành nghề tiểu thu công nghiệp, dịch vụ, thương mại; phối hợp với các ban, ngành mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện mức sống cho người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,37% hiện nay.
Điều đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở xã An Hải là địa phương luôn xác định xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là đòn bẩy phát triển sản xuất, thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân đã đóng góp 972 triệu đồng để xây dựng đường bê tông nông thôn. Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự góp sức của doanh nghiệp, nhân dân, 100% tuyến đường liên thôn, 91,56% đường làng, ngõ xóm được bê tông; các tuyến đường đều được lắp đặt đèn chiếu sáng, có cây xanh, có biển báo và gờ giảm tốc theo quy định. Hệ thống thủy lợi được xây dựng đảm bảo đúng quy định; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu và chủ động nước; 43,1% diện tích cây trồng chủ lực được tưới tiết kiệm nước; 100% hộ dân sử dụng điện điện lưới quốc gia, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, tạo cơ sở vững chắc cho xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Đồng chí Trương Thị Phương Trang cho biết thêm: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã An Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân trong giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn; tập trung xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiến Mạnh