UBND tỉnh chỉ thị tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẳn sàng hộ đê chống lũ, bão năm 2023

Ngày 20/3/2023, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẳn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm vừa qua tình hình lũ, bão diễn ra hết sức bất thường, cực đoan và trái quy luật. Những đợt lũ lớn, đã xảy ra trên các tuyến Sông vượt trên mức BĐ3, do ảnh hưởng của lũ lớn, lũ đặc biệt lớn có khả năng uy hiếp đến an toàn các tuyến đê, kè. Năm 2023, theo bản tin dự báo khí hậu, thuỷ văn tỉnh Ninh Thuận của Đài khí tượng thuỷ văn Ninh Thuận nhận định, từ tháng 6-8/2023, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với TBNN cùng thời kỳ (khoảng 3-4 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông) và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Thực hiện Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các tuyến đê kè trên địa bàn quản lý triển khai thực hiện nghiêm một số công việc trọng tâm sau đây:

1. Hoàn thành công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện:

- Đối với những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ, bão trước (hư hỏng sụp lún các mái đê kè, về phía sông, phía biển đặc biệt là sụp lún mái đường quản lý tại các tuyến Đê biển…) cần đặc biệt quan tâm xử lý đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm công trình nêu trên trong mùa lũ, bão năm 2023.

Một góc Đập Hạ lưu sông Dinh được vận hành an toàn. Ảnh: Văn Nỷ

- Huy động mọi nguồn lực để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi có lũ, bão.

- Phối hợp cùng với địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và có kế hoạch kiểm tra đề xuất tu bổ các hạng mục cần thiết khác, kể cả hệ thống cấp điện, cấp nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão.

- Phối hợp chặt chẽ với địa phương có đê liên quan và chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều xong trước mùa lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão…

- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Cơ quan đơn vị và địa phương liên quan:

+ Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

+ Xử lý dứt điểm hành vi cắt xẻ đê, lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ.

Ủy ban nhân dân: thành phố Phan Rang –Tháp Chàm, các huyện (có đê điều trên địa bàn quản lý)

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có đê, kè liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của các cá nhân, chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thuỷ lợi và các đơn vị liên quan:

+ Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn quản lý.

+ Xử lý dứt điểm hành vi cắt xẻ đê, lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trên địa bàn.

2. Đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão

- Đối với những cống qua đê đã xảy ra sự cố do lũ những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được làm việc trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang xây dựng, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan cần phải thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị phương án để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý đề nghị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để xem xét giải quyết.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê để phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để sửa chữa.

- Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình đóng, mở. Trong trường hợp cần thiết phối hợp cùng với Chi cục thuỷ lợi để vận hành đảm bảo thoát nước trong mùa mưa lũ.

- Đối với các cống dưới đê (Tuyến đê bao Đầm Nại) do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý, xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện quy trình phương án vận hành, bảo vệ, xử lý các sự cố.

3. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão

- Kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng có sẵn đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt.

- Căn cứ theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xẩy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.

- Trên cơ sở phương án Phòng chống thiên tai được duyệt, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có Đê, kè chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến. Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân để trong trường hợp có sự cố xảy ra (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).

- Quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra các xã, phường ven đê tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố xảy ra; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo thường xuyên, kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

- Tổ chức triển khai thực hiện, phát quang mái đê, chân đê, trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý sự cố trong mùa mưa lũ.

4. Về công tác quản lý đê điều

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các tuyến đê kè trên địa bàn quản lý:

- Tăng cường phối hợp kiểm tra các tuyến đê, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều đối với các tổ chức, cá nhân thi công các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều.

- Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và Quyết định số 92/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nạo vét, khai thác và kinh doanh cát, sỏi lòng sông liên quan đến đê, kè trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt tăng cường kiểm tra các tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ,…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Khẩn trương tổ chức lập nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch đã được duyệt.

- Chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có Đê, kè kiểm tra xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ.

Sở: Xây dựng, Công thương theo chức năng nhiệm vụ quản lý:

Chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận, Công ty Điện lực Ninh Thuận thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hệ thống cấp điện, cấp nước liên quan hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cấp điện, cấp nước trước, trong và sau khi xảy ra bảo, lũ

5. Công tác quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh

Các Sở, ngành: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận liên quan đến cát, sỏi lòng sông và vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với bến bãi chứa chất, bốc xếp vật liệu xây dựng ở bãi sông hoạt động trái phép, hoạt động không phép.

Trong qua trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để xem xét giải quyết.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị này.