(NTO) Vừa qua, Tổ chức iDE phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tiến hành thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm trên tổng diện tích 23 ha hoa màu và cây ăn trái của 95 hộ gia đình tại các xã An Hải, Phước Hải (Ninh Phước), xã Xuân Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Phan Rang- Tháp Chàm). Qua hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình nói trên mang lại kết quả khả quan, giúp nhiều nông dân giải quyết khó khăn về vấn đền nước tưới cho cây trồng.
Mô hình mạng lại hiệu quả cao
Gia đình anh Hứa Văn Sắn, thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) có hơn 3 ha cây hoa màu. Trước đây, hễ vào mùa khô toàn bộ diện tích đất của anh đều phải bỏ trống do không đủ nước sản xuất. Tháng 4 năm 2010, Hội Nông dân tỉnh chọn 500 m2 diện tích hoa màu của gia đình anh làm thử nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm bằng cách tưới phun mưa, trong đó iDE hỗ trợ 50% chi phí vật tư. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh lắp thêm thùng châm phân tự động hòa vào đường ống nước, rồi tiến hành trồng hành lá trên toàn bộ hơn 3 sào đất. Trong quá trình trồng và sau khi thu hoạch, so sánh hiệu quả giữa ½ sào hành lá sử dụng hệ thống tưới phun với diện tích hành đào rãnh tưới tràn, anh Sắn nhận thấy hệ thống tưới phun giúp anh tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới và phân bón mà năng suất cây trồng lại cao gấp đôi. Thấy mô hình có hiệu quả, đến nay anh Sắn đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho toàn bộ diện tích đất của gia đình. Anh Sắn vui mừng cho biết: “Từ khi lắp đặt hệ thống tưới này, gia đình tôi chưa bỏ vụ hoa màu nào, hết trồng ớt, trồng hành rồi lại chuyển sang trồng cải trắng, đậu phộng… mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Phân cũng được hòa luôn vào nước tưới nên không cần phải dùng bình xịt như trước đây. Do dễ sử dụng nên mấy đứa nhỏ cũng có thể ở nhà tự tưới nước, có thời gian rảnh, vợ chồng tôi tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập”.
Gia đình ông Kiều Chí, thôn Thành Tín, xã Phước Hải (Ninh Phước) cũng là một trong những hộ được chọn làm thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm với phương pháp tưới nhỏ giọt trên 1,2 sào thanh long. Mặc dù mới đưa vào sử dụng chưa đầy 2 tháng nhưng ông Chí đã thấy hiệu quả nổi bật cùa mô hình này. Ông Chí cho biết: “Với mô hình tưới nhỏ giọt, mỗi gốc thanh long chỉ tốn khoảng 20 lít nước, bằng 1/5 lượng nước khi sử dụng tưới tràn, mỗi lần tưới chỉ cần 1 tiếng đồng hồ là đủ, trong khi đó, nếu tưới tràn thì thời gian phải tốn gấp đôi. Ngoài tiết kiệm nước, công lao động, phân bón, điện, hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp cho nước tập trung vào gốc cây, không bị tràn ra ngoài, hạn chế cỏ dại phát triển nên không phải mất thời gian, công sức làm cỏ như trước đây.” Với sự tiện lợi, hiệu quả kinh tế từ hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, ông vừa đầu tư lắp đặt thêm hệ thống tưới phun gốc cho 700 m2 táo và dự đinh tiếp tục lắp đặt mô hình này cho toàn bộ gần 1 ha diện tích cây ăn trái của mình.
Kết quả qua quá trình thử nghiệm cho thấy, việc sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm đã giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng hơn so với việc sử dụng tưới tràn truyền thống từ 25-50%, tùy từng loại cây. Với hệ tưới phun mưa hoặc nhỏ giọt lại tưới đều hơn, có thể tưới nhiều lần trong ngày, vào bất kỳ thời gian nào mà họ thấy thích hợp cho cây trồng. Bà con còn giảm từ 40%-60% lượng nước tưới, tiết kiệm từ 40%- 60% chi phí điện để chạy máy bơm nước do thời gian tưới ngắn hơn. Với các hộ sử dụng thiết bị châm phân lại tiết kiệm đến 30%-40% lượng phân bón. Ngoài ra, trong điều kiện bình thường, việc tưới phun vào sáng sớm và chiều tối còn hạn chế nhiều loại sâu hại tấn công, từ đó giúp người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà chất lượng sản phẩm lại cao hơn như: đối với đậu phụng chắc hạt hơn, củ cải to hơn, bông và các loại rau ăn lá đẹp hơn, cà chua trái đẹp và đều hơn… Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng và được giá hơn…
Dự án hướng đến những hộ nghèo
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, điểm nổi bật của mô hình tưới nước tiết kiệm đó là phù hợp với những hộ gia đình có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, ít vốn. Được biết, chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun, nhỏ giọt chỉ có giá từ 1- 3,5 triệu đồng/sào, tùy vào chất lượng vật tư. Với những ưu điểm đó, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp Tổ chức iDE mở rộng Dự án Mô hình tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện Ninh Phước, thời gian kéo dài từ tháng 2-2011 đến hết tháng 1-2013. Ông Bùi Vĩnh Hiển, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển iDE tại Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là là sau khi dự án kết thúc sẽ có khoảng 1.500 hộ dân huyện Ninh Phước sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm do iDE giới thiệu, giúp các hộ có thể tăng từ 4-5 triệu đồng thu nhập bền vững hàng năm. Đối tượng chính của chúng tôi là các hộ nông dân trồng trọt quy mô nhỏ tại các vùng đồng bằng ven biển, nơi khó tiếp cận với nguồn nước tưới, đất khô cằn, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo”.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm đã và đang là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi dự án được triển khai sẽ còn tạo điều kiện cho bà con nông dân ứng dụng lồng ghép một số mô hình khác như đưa các cây trồng mới, phân bón mới vào sản xuất, giúp người dân có thể tăng năng suất cây trồng, cải thiện đời sống. Ngoài ra, việc sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, rất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của tỉnh ta.
Uyên Thu