Khắc ghi lời Bác dạy

Trong suốt 75 năm qua, kể từ khi bức thư lịch sử của Bác Hồ đến với Công an Khu XII, sáu điều dạy của Người đã lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng, trở thành định hướng chỉ đạo công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Học tập, làm theo sáu lời dạy của Bác, CAND Việt Nam đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu điều Bác dạy Công an nhân dân

CAND có nhiệm vụ cao cả, nặng nề, đó là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; đấu tranh chống các thế lực thù địch, các đối tượng tội phạm; ngăn chặn mọi âm mưu, ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước, mọi hành vi xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường để đất nước phát triển về mọi mặt, giữ vững bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Đó là nhiệm vụ rất cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND cần không ngừng học tập, nỗ lực, rèn đức luyện tài, để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc rèn luyện lực lượng CAND. Nhân dịp đồng chí Hoàng Mai (khi đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII) gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tờ báo “Bạn dân” (nội san của Công an Khu XII) số Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lại cho đồng chí Hoàng Mai một bức thư vào ngày 11/3/1948. Trong đó, cùng việc góp ý và động viên, khen ngợi, khích lệ tinh thần CBCS, Người cũng nêu lên sáu yêu cầu đối với người công an cách mệnh. Cụ thể:

“Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo.

Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng...” (1).

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy đã khái quát nên hình mẫu chuẩn mực người CBCS CAND. Chuẩn mực về đạo đức của người cán bộ công an cách mạng vừa thống nhất với chuẩn mực về tư cách, đạo đức của người đảng viên cộng sản nhưng cũng thể hiện nét riêng của công tác công an.

Thứ nhất, “đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”: Cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính không thể thiếu, luôn phải được đặt lên hàng đầu đối với người CBCS CAND. “Cần” là làm việc cần mẫn, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm; phải xây dựng một ý chí vững vàng, không ngại khó khăn, gian khổ. “Kiệm” là tiết kiệm, tiết kiệm của cải (không lãng phí, giữ gìn bảo vệ của công) và tiết kiệm thời gian (có kế hoạch làm việc hợp lý, cụ thể để đạt hiệu quả cao trong thời gian ngắn). “Liêm” là liêm khiết, trong sạch, không lạm dụng của công, không tham lam địa vị, quyền lực, tiền tài. “Chính” là phải biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải; không làm việc trái với lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, “đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”: Là biết giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, yêu thương đồng chí, đồng đội; phát huy dân chủ, thẳng thắn đấu tranh, phê bình và tự phê bình; tương trợ nhau trong công việc.

Thứ ba, đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành: Lòng trung thành được thể hiện bởi bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng của người CBCS CAND. Lòng trung thành được hình thành trên cơ sở giác ngộ cách mạng, lòng yêu nghề và được trau dồi, tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu; được thể hiện bởi ý chí vươn lên sáng tạo trong công tác chuyên môn.

Thứ tư, “đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”: Lực lượng CAND từ dân mà ra, vì dân mà phục vụ cho nên phải gần dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân. Kính trọng, lễ phép với nhân dân không chỉ dừng lại ở lòng tôn trọng, gần gũi bảo vệ, chăm lo cho lợi ích của nhân dân mà phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết được những trăn trở, bức xúc trong nhân dân từ đó từng bước tháo gỡ. Đây là tiền đề để xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng CAND.

Thứ năm, “đối với công việc, phải tận tụy”: Thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, có hiệu quả thiết thực.

Thứ sáu, “đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”: Tinh thần cương quyết, khôn khéo là vũ khí sắc bén, là nguyên tắc, phương châm hoạt động của người CBCS CAND. Người CBCS CAND cần phải xây dựng cho mình bản lĩnh chiến đấu, lập trường kiên định, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách để ngày càng trưởng thành trong công tác.

Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là sự tổng hợp biện chứng của nhiều yếu tố, nhiều phẩm chất của người công an cách mạng, đặt trong ba mối quan hệ cơ bản nhất của mỗi CBCS công an. Đó là quan hệ bên trong (đối với chính mình); quan hệ bên ngoài (đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với địch); quan hệ công việc (những việc mình cần làm, được làm, phải làm theo bổn phận, trách nhiệm, theo phân công...). Tư cách người công an được xác định trong sáu điều dạy của Bác tạo thành phẩm chất của người công an cách mạng: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh!

Khắc ghi lời Bác dạy

Trong suốt 75 năm qua, kể từ khi bức thư lịch sử này của Bác Hồ đến với Công an Khu XII, sáu điều dạy của Người đã lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng, trở thành định hướng chỉ đạo công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND. Học tập, làm theo sáu lời dạy của Bác, lực lượng CAND đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện được phẩm chất anh hùng; bản lĩnh kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; không quản ngại khó khăn, gian khổ, lập nên nhiều chiến công hiển hách; khẳng định được vị thế, vai trò là nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đóng góp rất quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, lực lượng CAND đã chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo sát đúng tình hình; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách; đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, xử lý nhiều vụ kích động chống đối, biểu tình, bạo loạn, gây rối an ninh, trật tự. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt hiệu quả cao. Chất lượng điều tra, khám phá án ngày càng được nâng lên. Qua đó, đã góp phần quan trọng kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm; tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.

Qua thực tiễn đã có hàng trăm tập thể, hàng nghìn CBCS công an được biểu dương, khen thưởng vì đã lập nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương CBCS CAND dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, trở thành biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ công an chân chính.

Những năm gần đây, phong trào thi đua học tập, thực hiện sáu điều Bác dạy càng tăng thêm ý nghĩa khi được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nhiều cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng khác trong toàn lực lượng.

Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và thủ đoạn tinh vi của các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ; đòi hỏi lực lượng CAND càng phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập thấm nhuần và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Đó là hành trang không thể thiếu trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng, công tác, chiến đấu của mỗi CBCS công an, là ánh sáng soi đường, là động lực thúc đẩy toàn lực lượng CAND vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân.

Theo TTXVN
(1): Sách Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2009, tập 5. Tr.406, 407.