Dân vận khéo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bài 1: Đổi mới, hướng công tác dân vận về cơ sở

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, công tác dân vận (DV) và phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Xã nông thôn mới Nhơn Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác DV và phong trào thi đua DVK, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tỉnh ta không ngừng đổi mới, hướng công tác DV về cơ sở với nhiều mô hình hay, cách làm mới phù hợp, hiệu quả. Đơn cử như phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua hội nghị, sinh hoạt chi bộ, hệ thống loa truyền thanh và nhóm Zalo... Cùng với đó, địa phương tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình: “Hạt gạo yêu thương”, “Camera an ninh”...; tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; đồng thời, đăng ký triển khai nhiệm vụ đột phá xây dựng mô hình “Giáo xứ an toàn về an ninh trật tự” ở khu phố 3 trong quý I/2023. Qua đổi mới, hướng công tác DV về cơ sở, đến nay, toàn phường có 96,15% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 7/7 khu phố đạt danh hiệu Khu phố văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có nhiều khởi sắc. Toàn phường hiện còn 17 hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2021. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, trong năm 2022, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí làm đường bê tông, xây sân trụ sở khu phố, lắp điện chiếu sáng với số tiền trên 250 triệu đồng, qua đó góp phần tạo diện mạo đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp hội viên, phụ nữ, các cấp hội đa dạng hình thức tuyên truyền, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác Hội đến gần hơn với phụ nữ và nhân dân. Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Hiện nay hầu hết cơ sở hội đều thành lập các nhóm Zalo và trang fanpage trên Facebook để phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên truyền. Các cấp hội cũng đẩy mạnh viết, biên tập và đăng tải tin bài trên cổng thông tin điện tử; tổ chức các cuộc thi trực tuyến; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở; xây dựng, nhân rộng các mô hình: Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp; Tiết kiệm mùa xuân; Góp vốn xoay vòng; Hũ gạo tình thương; Nuôi heo đất... thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ, nhân dân tham gia, đạt nhiều kết quả tích cực.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác DV và phong trào thi đua DVK thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đẩy mạnh, hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời theo quy định pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua DVK trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, mang lại kết quả thiết thực, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân nơi thụ hưởng ghi nhận, đánh giá cao.

Ban Công tác nữ Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh phát động, duy trì triển khai mô hình "Nuôi heo đất" giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Một số địa phương, đơn vị có cách làm hay, giải pháp sáng tạo và đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác vận động quần chúng, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể như Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện các công trình, dự án. Mặt trận huyện Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch phân công các tổ (mỗi tổ từ 2-5 đồng chí) trực tiếp đến thăm hỏi, thiết lập mối quan hệ mật thiết với các vị chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo, các già làng uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, giải thích tạo sự đồng cảm và chia sẻ, từ đó phối hợp với các tổ vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước, sớm bàn giao mặt bằng cho các công trình, dự án theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; vận động kết hợp nắm bắt tình hình dư luận trong nhân dân và đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Thông qua các tổ tuyên truyền vận động, đến nay, hầu hết hộ dân đồng thuận với chính sách hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Các cấp Mặt trận cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tổ chức cuộc thi ảnh “Tôi tin dùng hàng Việt”; phát huy tinh thần sáng tạo của cán bộ Mặt trận các cấp trong lựa chọn, xác định những công việc trọng tâm, đột phá. Đối với công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động 5 đoàn thể chính trị - xã hội, 6 tổ chức tôn giáo và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh ký cam kết nhận đỡ đầu, giúp 70 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững trong năm 2023; Mặt trận các huyện Ninh Phước, Bác Ái phối hợp chính quyền ban hành kế hoạch triển khai cho 76 tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu giúp 740 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Mặt trận các huyện, thành phố cũng chủ động thăm hỏi, tạo lập mối quan hệ với các vị chức sắc, chức việc trong các cơ sở tôn giáo để tuyên truyền, phối hợp với chính quyền chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo. Kết quả, trong năm 2022, các cơ sở tôn giáo đã hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo xây dựng 27 căn nhà với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng...

Những mô hình, hoạt động nói trên cho thấy công tác DV và phong trào thi đua DVK trên địa bàn tỉnh đang được đổi mới, hướng về cơ sở. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

-----------------------------------------

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
(Bài 2: Xây dựng, nhân rộng nhiều
mô hình dân vận khéo phù hợp, hiệu quả)