Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023) và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Phụ nữ Ninh Thuận không ngừng rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ phát triển mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ (PN) và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng chủ tư bản trả lương cho lao động (LĐ) nữ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Năm 1910, Đại hội PN Quốc tế họp tại Copenhaghen (Thủ đô Đan Mạch) quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày “Quốc tế PN”, với mục đích đấu tranh đòi quyền lợi của PN và trẻ em như: Ngày làm 8 giờ, việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau và bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Ở nước ta, ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Noi gương hai nữ tướng anh hùng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, PN Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, trở thành lực lượng cách mạng quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thế hệ PN hôm nay luôn ra sức học tập, thi đua LĐ sản xuất, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội, xứng đáng là những người PN hiện đại trong tình hình mới. Xác định vai trò quan trọng của PN đối với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh nhà luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ PN, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp chị em học tập, LĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Vai trò, vị trí của PN trên từng lĩnh vực đời sống không ngừng được nâng lên. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp ngày càng tăng, luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương quan tâm xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ; đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho nữ cán bộ học tập, tích cực phấn đấu vào Đảng; bố trí, sắp xếp công việc cho nữ cán bộ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh, giúp chị em yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường; giới thiệu các nữ cán bộ trẻ, có triển vọng đưa vào quy hoạch bảo đảm tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo chính quyền, giúp chị em có thêm động lực phấn đấu phát triển bản thân... Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp đạt cao; nhiều cán bộ nữ, được tin tưởng giao đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp, khẳng định vai trò, vị thế của PN trong xã hội.

Trong phát triển kinh tế, PN đóng vai trò quan trọng trên các lĩnh vực. Thông qua các chính sách hỗ trợ PN như: Khuyến khích đào tạo nghề cho LĐ nữ nông thôn; vay vốn giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để PN dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa... có cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển doanh nghiệp (DN). Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, LĐ, việc làm ngày càng được thu hẹp. Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.458 LĐ nữ, đạt 50,50%/LĐ được giải quyết việc làm; đào tạo nghề 5.627 LĐ nữ, đạt 52,09%/LĐ được đào tạo. Giảm tỷ trọng LĐ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng LĐ nữ có việc làm xuống dưới 34%. Năm 2022, toàn tỉnh có 506 DN thành lập mới, trong đó có 120 DN do PN làm chủ; nâng tổng số DN do PN làm chủ hiện là 931 DN, chiếm 23,2%.

Phụ nữ tỉnh nhà hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2023. Ảnh: P.Bình

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách giúp PN nâng cao đời sống tinh thần, tiếp cận các dịch vụ: Chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, giáo dục, đào tạo, văn hóa... Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát tốt và đang ở mức cân bằng theo quy luật sinh sản tự nhiên đạt 105,6 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 35/100.000 trẻ sinh sống. Tình hình tai biến sản khoa tại các cơ sở y tế được phát hiện và xử trí kịp thời. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành cấp THCS đạt 99,8%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 22%. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 41%, tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 12,5%... Vai trò, vị trí của PN trong gia đình tiếp tục được khẳng định và phát huy. Với thiên chức là người mẹ, PN đã hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con, chăm sóc, bảo vệ các thành viên trong gia đình; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tích cực LĐ, nâng cao thu nhập, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết yêu thương, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Nữ cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Ninh Thuận thực hiện quy trình cấy mô tế bào trong sản xuất các giống cây trồng. Ảnh: Văn Miên

Các chị còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh, chăm sóc, giúp đỡ các gia đình chính sách, PN nghèo,... góp phần tạo ý thức cộng đồng xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời gắn kết được tình cảm, tinh thần tương trợ, tình làng nghĩa xóm trong cán bộ, hội viên PN và nhân dân. Đối với hoạt động Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả nghị quyết đại hội đại biểu PN các cấp ngay từ đầu nhiệm kỳ; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người PN Việt Nam thời đại mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” , “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” phù hợp với từng địa phương và từng đối tượng PN; tham gia tích cực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (trong đó chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và trẻ em gái”), Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Dù ở lĩnh vực nào, cương vị nào, PN Ninh Thuận luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực trong các lĩnh vực LĐ, công tác và đời sống xã hội.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò giáo dục, tuyên truyền, tập hợp, vận động PN tỉnh nhà phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phấn đấu rèn luyện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đồng thời triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động; thực hiện tốt công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp PN tham gia, nâng cao vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức hội là một nhân tố tích cực cùng chung sức đóng góp vào sự phát triển quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển.