Cây Thanh thất “khắc tinh” vùng đất khô hạn

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã chú trọng chọn lọc trồng, chăm sóc, đưa vào trồng hàng ngàn ha rừng với nhiều loài cây chịu hạn: Neem, phi lao, trôm, điều, Thanh thất... Qua đó góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển rừng hiệu quả gắn với tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng cho người dân.

Trước đây Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất cả nước, tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, cây trồng khó phát triển, nhưng hiện nay khô hạn đã được khắc phục, đất trống đồi trọc được phủ xanh. Có được kết quả này là do tỉnh ta đã được đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả 22 hồ chứa nước, với tổng dung tích 414,29 triệu m3, đồng thời đưa các loại giống cây trồng chịu hạn phù hợp với khí hậu bản địa để tạo mảng xanh, chống sa mạc hóa, trong đó nhiều nhất đó là cây Thanh thất.

Cây Thanh thất được trồng tại lâm phần rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam.

Để tận mục sở thị về loại cây “khắc tinh” với vùng đất khô hạn này, chúng tôi chạy dọc theo cung đường Cà Ná - Mũi Dinh (Thuận Nam) thấy rất nhiều cây Thanh thất được trồng, phát triển tươi tốt, tỏa bóng mát dưới đồi đất sỏi, đá. Được biết, cây Thanh thất có đặc tính ưa sáng, thường mọc ở ven rừng hoặc chỗ trống, có khả năng chịu hạn rất tốt. Ở Việt Nam, cây Thanh thất mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, phân bố ở độ cao từ 60-1.500 m so với mực nước biển. Phù hợp lượng mưa trung bình năm 1.920 mm. Thích hợp với đất pha cát, thoát nước tốt. Đây là loài cây gỗ lớn, cao 30 m, đường kính khoảng 1,2 m, thân tròn thẳng, phân cành cao, vỏ xám nâu, có mùi hắc, lá rụng có màu đỏ. Quả kín có cánh, dài 5,5 cm. Đặc tính cây Thanh thất rụng lá vào mùa khô.

Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh có những loài cây trồng rừng trong quá trình trồng và chăm sóc còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do những yếu tố khách quan như: Gia súc cắn phá, cây trồng chết do nắng hạn kéo dài, cây chậm phát triển do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… dẫn đến việc rừng trồng không đạt các tiêu chí quy định. Tuy nhiên, qua khảo nghiệm, trồng thực tiễn và phân tích đánh giá khoa học tại một số địa phương, chúng tôi nhận diện được cây Thanh thất là loài cây trồng rừng đạt hiệu quả nhất về sinh trưởng và đạt tiêu chí thành rừng. Do đó, năm 2015, ngành NN&PTNT đã trồng thử nghiệm cây Thanh thất trên diện tích 10 ha thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) ven biển Thuận Nam, qua theo dõi trồng, cây Thanh thất có khả năng chống chịu với nắng hạn, không bị gia súc cắn phá và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Với kết quả khả quan nêu trên, các đơn vị và chủ rừng đã tổ chức thiết kế, trồng đại trà loài cây này với quy mô diện tích lớn hơn. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng 1.275,26 ha cây Thanh thất. Trong đó, Chương trình trồng rừng thay thế 430,70 ha; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 210,84 ha; Dự án JICA2 tỉnh 417,14 ha; Dự án SP-RCC tỉnh 216,58 ha. Hiện nay, Sở NN&PTTNT đã giao các BQLRPH đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, Vườn quốc gia Núi Chúa, BQLRPH ven biển Thuận Nam, BQLRPH đầu nguồn hồ Tân Giang và chủ dự án tự trồng rừng để trồng, chăm sóc, quản lý.

Đồng chí Trần Ngọc Hiếu cho biết thêm: Để phát huy đặc tính của các loài cây chịu hạn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục ưu tiên lựa chọn loài cây Thanh thất để phát triển rừng tại những khu vực đồi núi đá khô hạn. Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuần tra, truy quét, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Phát huy mọi nguồn lực để tập trung phát triển rừng, góp phần phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2025 lên 49% và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.