Những năm qua, Hội Khuyến học (HKH) từ tỉnh đến cơ sở đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT), qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua tuyên truyền, vận động, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút 115.900 hội viên tham gia công tác KHKT, đạt 19,25% so với dân số toàn tỉnh. Tổ chức HKH được xây dựng, củng cố, phát triển đều khắp ở các khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, tỉnh hội có 7 huyện, thành hội và 2 hội cơ sở trực thuộc; có 67 hội cơ sở với 1.054 chi hội và 459 ban khuyến học ở các cơ quan, đơn vị, trường học, dòng họ. Các cấp HKH chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Khu dân cư học tập”, “Đơn vị học tập” và trung tâm học tập cộng đồng. Qua rà soát, đánh giá, trong năm 2022, toàn tỉnh có 76.887/164.322 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, đạt 46,79%; 283/576 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, đạt 49,13%; 287/393 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”, đạt 73,03% và 215/266 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”, đạt 77,97%. Các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trong tỉnh mở được 250 lớp với 14.414 lượt học viên đến học tập, tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề... để áp dụng vào đời sống, sản xuất. Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức được 97 lớp với 2.913 lượt học viên tham gia học tập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao học bổng của Báo Người lao động cho học sinh
có hoàn cảnh khó khăn.
Hướng hoạt động về cơ sở, “lấy sức dân lo cho dân”, HKH các cấp linh hoạt triển khai nhiều cách làm sáng tạo, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác KHKT. Năm 2022, tổng Quỹ Khuyến học toàn tỉnh là 7,594 tỷ đồng, đã chi trên 3,8 tỷ đồng tặng học bổng, thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng HS, giáo viên đạt thành tích cao trong học tập, giảng dạy. Nhiều chương trình, hoạt động KHKT nổi bật được HKH tỉnh phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai hằng năm, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” tặng học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức biểu dương, khen thưởng giáo viên, HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; phối hợp với Chi nhánh Viettel Ninh Thuận trao học bổng “Vì em hiếu học”; trao học bổng Lá Xanh... cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Hội Khuyến học các huyện, thành phố và hội cơ sở trực thuộc tỉnh hội triển khai nhiều mô hình, hoạt động ý nghĩa, không chỉ góp phần chăm lo, giúp đỡ HS nghèo hiếu học, mà còn tuyên truyền, giáo dục các em về lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, phấn đấu rèn luyện để trưởng thành. Đơn cử như HKH huyện Ninh Phước đã thành lập Quỹ Khuyến học Trần Thi, đến nay đã vận động, tiếp nhận được 360 triệu đồng, tạo nguồn kinh phí hằng tháng tổ chức trao tặng 20 suất học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện tại Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi (xã Phước Thuận), qua đó đã trao tặng được tổng số 80 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) giúp HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện chăm lo việc học.
Các cấp hội cũng chú trọng làm tốt công tác tham mưu; phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc lồng ghép nội dung KHKT, xây dựng XHHT vào các phong trào thi đua yêu nước; đăng tải các tin, bài, chương trình “Tạp chí khuyến học”; tuyên truyền xóa mù chữ, vận động HS bỏ học trở lại trường; xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng dân cư... HKH các nhà trường phối hợp với ban giám hiệu, công đoàn, ban đại diện cha mẹ HS, đoàn thanh niên, đội thiếu niên đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, các cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”... gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phụ đạo HS yếu, giúp đỡ hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn... Một số cơ sở giáo dục bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, triển khai công tác KHKT trong nhà trường còn chung tay xây dựng XHHT bằng những mô hình, việc làm thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế... Đơn cử như Trường TH-THCS Ngô Quyền, Trường Tiểu học Vĩnh Hy (Ninh Hải) trong năm 2022 đã tổ chức 8 lớp học xóa mù chữ vào buổi tối các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần để dạy chữ và cách tính toán cho đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy, Đá Hang, qua đó giúp bà con biết chữ, biết tính toán để tự tin hơn và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KHKT, xây dựng XHHT, trong năm 2023, các cấp HKH tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu theo Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu xây dựng Quỹ Khuyến học bình quân trên 17.000 đồng/người/năm; xét và công nhận trên 76.887 gia đình học tập, 283 dòng họ học tập, 287 cộng đồng học tập và 215 đơn vị học tập...
Lâm Anh