Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Kế thừa truyền thống, giữ nước từ khi nước chưa nguy, Đảng ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo xây dựng gắn với bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), từ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về bảo vệ an ninh quốc gia chống diễn biến hòa bình của địch, đến các Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, khóa XI) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới với nội dung sát hợp, thực tiễn tình hình xây dựng các tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế - xã hội (KT-XH), khoa học - kỹ thuật và quốc phòng, an ninh. Để lãnh đạo thực hiện, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 238-CTr/TU, ngày 24/1/2014.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC), 10 năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trên 320 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Quá trình tổ chức thực hiện, ngoài việc phổ biến, quán triệt, công tác kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống TNTC được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm; Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo ban hành hàng trăm nghị quyết liên quan đến phòng, chống TNTC về các lĩnh vực: Đầu tư dự án, đấu giá, đấu thầu, xây dựng quy định chế độ, chính sách đối với một số hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương...; Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo thực hiện kết quả công tác cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương, tỉnh (Chỉ số DDCI). Đối với công tác phát hiện, xử lý hành vi TNTC, kinh tế. Từ 2013 đến ngày 30/6/2022 đã phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố 22 vụ/23 bị can về hành vi tham nhũng và 21 vụ/37 bị can án kinh tế khác, đã xét xử nghiêm tính chất, mức độ hành vi phạm tội với mức án thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 16 năm tù. Đã thu hồi tài sản hơn 8 tỷ đồng, đạt 74,2 %; số đảng viên tham nhũng bị xử lý hình sự 19 người; xử lý kỷ luật Đảng từ khiển trách trở lên 25 người; xử lý trách nhiệm người đứng đầu 39 người, kiểm điểm rút kinh nghiệm 14 người. Đã tiến hành 908 cuộc thanh tra KT-XH, qua đó phát hiện sai phạm thu hồi hơn 41,5 tỷ đồng, 7.006.155 m2 đất, xử lý khác về kinh tế hơn 6,1 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 159 tổ chức, 60 cá nhân; xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với 1 tập thể, 15 cá nhân; xử lý kỷ luật về chính quyền đối với 1 tập thể, 38 cá nhân; kiểm điểm rút kinh nghiệm 416 tập thể và 1.062 cá nhân. Trong công tác bảo vệ pháp luật, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không để oan sai, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 29.189/33.852 vụ án các loại (trong đó 4.421 vụ án hình sự, 7.666 vụ án dân sự, 15.650 vụ án hôn nhân và gia đình, 500 vụ án hành chính, 460 vụ án kinh doanh thương mại, 492 vụ án lao động). Điểm nổi bật là số vụ án có hiệu lực ở cấp sơ thẩm chiếm tỷ lệ cao. Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh thành lập vào tháng 7/2022, hiện đang theo dõi, chỉ đạo 9 vụ án, 3 vụ việc về TNTC.

Từ kết quả công tác phát hiện, điều tra và xử lý TNTC trong thời gian qua cho thấy các cấp ủy đảng đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", không chỉ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, còn góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và công dân.

Tuy vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên; công tác giáo dục liêm chính còn hạn chế; rất ít vụ việc TNTC được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ.

Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật gắn với công tác phòng, chống TNTC trong thời gian tới, góp phần thực hiện chiến lược BVTQ. Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý TNTC thì công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý KT-XH và phòng, chống TNTC cũng cần được chú trọng đẩy mạnh; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để thực hiện đồng bộ, hiệu quả 4 trụ cột "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng, cần thực hiện 4 vấn đề sau:

Một là, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống TNTC gắn với công tác bảo vệ pháp luật. Đẩy mạnh giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không TNTC, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên và nhân dân; biểu dương, khen thưởng thành tích gắn với xử lý nghiêm người vi phạm.

Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện cảnh tỉnh, cảnh báo, chấn chỉnh từ sớm, từ xa những sai sót từ khi mới nảy sinh; không để sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn; coi trọng tự kiểm tra, thanh tra nội bộ để phát hiện, xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý nghiêm vụ việc TNTC.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc TNTC, nhất là những vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính theo nguyên tắc "Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".

Bốn là, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan nội chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan có chức năng phòng, chống TNTC. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan này thực sự liêm chính, có năng lực, trình độ, quan điểm chính trị ngang tầm nhiệm vụ; có bản lĩnh, dũng khí, kỷ năng bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai. Đẩy lùi hành vi tham nhũng kiên quyết không để xảy ra tham nhũng lớn, nghiêm trọng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật, thực hiện ngày càng hiệu quả nhiệm vụ BVTQ.