Hướng tới phát triển thị trường lao động bền vững

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động (LĐ) linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội (Nghị quyết 06/NQ-CP). Ngày 28/2/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 681/KH-UBND triển khai thực hiện các nội dung nói trên.

Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2025 tỷ trọng LĐ làm việc trong ngành Nông nghiệp khoảng 25%. Tốc độ tăng năng suất LĐ xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng LĐ (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về chỉ số đào tạo LĐ: Phấn đấu đạt trên 6,60 điểm. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%; tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6% (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm từ 16.000 LĐ). Tỷ lệ lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và LĐ khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng LĐ trong độ tuổi; 35% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: M.Thương

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để các sở, ban, ngành, địa phương bám sát triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, rà soát, kiến nghị ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về thị trường LĐ, kết nối cung - cầu LĐ để phù hợp với thực tế địa phương và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người LĐ và người sử dụng LĐ. Tăng cường đầu tư phát triển hiện đại hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường LĐ linh hoạt, hiệu quả. Xây dựng, đề xuất mô hình liên kết trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người LĐ và người sử dụng LĐ tiếp cận thông tin về thị trường LĐ, tham gia hoạt động giao dịch việc làm.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt nhu cầu nhân lực trong các ngành trọng điểm của tỉnh để kịp thời kết nối, cung ứng LĐ. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm LĐ đặc thù, lao động yếu thế... tham gia thị trường LĐ, có việc làm bền vững. Ưu tiên bố trí các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng LĐ, chuyển dần LĐ phi chính thức sang LĐ chính thức.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Tập trung thực hiện các giải pháp phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ. Thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp đối với đặc điểm, tính chất và điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hướng dẫn đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp xanh, sạch. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời, liên tục, nhằm nâng cao nhận thức của người LĐ, người sử dụng LĐ và các chủ thể tham gia thị trường LĐ để phát triển thị trường LĐ bền vững.