Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà nghiên cứu người Đức đã công bố chi tiết về trường hợp một bệnh nhân 53 tuổi được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2008. Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) để ức chế tải lượng virus bên trong cơ thể.
Bệnh nhân này đã tham gia chương trình IciStem của Bệnh viện Đại học Düsseldorf nhằm thử nghiệm các phương pháp điều trị HIV tiềm năng, bao gồm phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Sau này, ông được biết đến dưới tên gọi là Bệnh nhân Düsseldorf.
Đáng chú ý, khoảng ba năm sau khi nhiễm HIV, bệnh nhân này bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. Tình trạng bệnh ung thư của ông đã thuyên giảm sau một đợt hóa trị đầu tiên, nhưng không lâu sau lại tái phát.
Trong quá trình điều trị ung thư, Bệnh nhân Düsseldorf đã được cấy ghép tế bào gốc tương thích từ một người hiến tặng là nữ giới. Ca cấy ghép diễn ra khoảng 2 năm sau khi nam bệnh nhân này mắc bệnh ung thư, tức 5 năm sau khi nhiễm HIV.
Được biết, tế bào người hiến tặng có một đột biến có khả năng chống nhiễm HIV.
Các bác sĩ vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp ARV cho bệnh nhân kể trên trong quá trình điều trị ung thư. Tải lượng virus HIV của ông phần lớn ở mức không thể phát hiện được.
Xét nghiệm sau khi điều trị không tìm ra dấu vết virus tiếp tục nhân lên và lây nhiễm tế bào. Bệnh nhân được ngừng điều trị ART vào năm 2018, tức 10 năm kể từ khi được chẩn đoán nhiễm HIV lần đầu tiên. Sau khi ngừng điều trị ARV, bệnh nhân không có biểu hiện của HIV.
Bác sĩ điều trị cho Bệnh nhân Düsseldorf, ông Björn-Erik Ole Jensen lần đầu tiên đề cập đến những phát hiện này vào năm 2019, mặc dù từ chối khẳng định bệnh tình của người đàn ông này đã thuyên giảm vào lúc đó.
Timothy Ray Brown, bệnh nhân đầu tiên được công bố khỏi HIV, cũng được cấy ghép tế bào giống như Bệnh nhân Düsseldorf vào năm 2007 để điều trị bệnh bạch cầu. Năm ngoái, các nhà khoa học cũng đã công bố về việc một phụ nữ được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp kể trên.
Ngoài ra còn có hai trường hợp tự khỏi HIV khác, được cho là xảy ra khi hệ thống miễn dịch của hai bệnh nhân này tự loại trừ virus mà không cần điều trị. Đây là một hiện tượng hiếm gặp mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích đầy đủ.
Mặc dù những phát hiện của nghiên cứu này hứa hẹn cho việc điều trị HIV trong tương lai, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc này là một quy trình rủi ro cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp nên không khó ứng dụng rộng rãi. Trong quá trình điều trị như vậy, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân về cơ bản đã bị phá hủy và được thay thế thông qua cấy ghép.
Và tế bào đột biến có khả năng chống HIV là rất hiếm, chỉ được phát hiện ở một tỷ lệ nhỏ người gốc Bắc Âu.
HIV được biết đến là một trong những loại virus truyền nhiễm "cứng đầu" nhất thế giới. Phần lớn các phương pháp chữa trị đều bị vô hiệu hóa trước loại virus này. Trước năm 1996, việc bị nhiễm HIV được xem là bản án tử hình đối với mỗi bệnh nhân.
Mặc dù nhiều loại thuốc mới đã được sản xuất nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc tiêu diệt virus ở ngưỡng mức thấp, cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp chữa trị thực sự hiệu quả nào giống như cấy ghép tế bào gốc.
Theo TTXVN/Báo Tin tức