Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý cho biết, để kết nối liên vùng, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp giao thương thuận tiện, an toàn, điều kiện tiên quyết là phải bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, thông thoáng, bảo đảm chất lượng công trình. Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn và đơn vị thi công đang khẩn trương huy động nguồn lực tổ chức triển khai thi công, phấn đấu đến cuối năm 2023 toàn bộ dự án sẽ về đích.
Được biết, dự án khởi công vào ngày 2/12/2022, chia thành 2 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1: Đoạn nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 dài khoảng 10,14 km được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương 370 tỷ đồng và ngân sách địa phương 281,28 tỷ đồng. Điểm đầu từ Km0+000 tại điểm cuối nút giao đường cao tốc Bắc Nam với Tỉnh lộ 709, thuộc thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam). Điểm cuối tại Km10+138 giao với Quốc lộ 1 thuộc xã Phước Minh (Thuận Nam). Nền đường rộng 34 m, mặt đường 14m; dải phân cách giữa 10 m. Đối với Dự án thành phần 2: Đoạn từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh giới (đầu) khu công nghiệp Cà Ná dài khoảng 4,66 km được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà tài trợ 213,95 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 37,7 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến từ Km10+138 giao với Quốc lộ 1 tại Km1478 thuộc xã Phước Minh (Thuận Nam); điểm cuối tuyến tại ranh giới (đầu) Khu Công nghiệp Cà Ná. Nền đường rộng 34 m; mặt đường rộng 22 m, gồm 6 làn xe; dải phân cách giữa rộng 3 m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5 m cùng với thi công cầu, cống, nút giao và hệ thống an toàn giao thông...
Các đơn vị thi công tập trung thi công công trình đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1.
Về công tác giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1, đến nay, UBND huyện Thuận Nam đã ban hành quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ được 67/97 hộ và 3 tổ chức. Trong đó, 60/67 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đối với diện tích đất muối của Công Cổ phần muối Cà Ná Ninh Thuận và Công ty Điện gió BIM với tổng chiều dài tuyến khoảng 2,2 km, UBND huyện Thuận Nam đã ban hành quyết định bồi thường và chi trả cho đơn vị. Tuy nhiên đến nay Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thuận Nam và Công cổ phần muối Cà Ná Ninh Thuận chưa bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.
Riêng phần diện tích đất dự án đi qua khu nông trường Bông, chiều dài khoảng 2,1 km, qua số liệu kê khai, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất có 38 hộ gia đình, cá nhân trong diện thu hồi đất. Đối với dự án thành phần 2, đã hoàn thành công tác thu hồi đất của Công ty Cổ phần muối Cà Ná Ninh Thuận và đã bàn giao mặt bằng. Đồng thời, UBND xã Phước Minh đã họp xét nguồn gốc đất 24/24 hộ; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có ý kiến chấp thuận thẩm tra điều kiện bồi thường 22 hộ. Đến nay UBND huyện Thuận Nam đã ban hành quyết định bồi thường và chi trả tiền cho 12 hộ và 1 tổ chức theo quy định.
Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý chia sẻ thêm: Khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là nguồn vật liệu đất đắp, ngay như mỏ vật liệu (phía Tây núi Chà Bang) được cấp phép gần nhất về đến công trình cũng xa hơn 10 km. Hơn nữa, mỏ vật liệu Tây núi Chà Bang có công suất 200.000 m3/năm so với nhu cầu của các nhà thầu đang báo cáo thiếu hụt khoảng 666,1 m3. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án trong năm 2023, Ban Quản lý dự án kiến nghị UBND huyện Thuận Nam chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thuận Nam sớm hoàn thành các thủ tục và tổ chức bàn giao mặt bằng thi công xây dựng. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân ở xã Phước Ninh và Nhị Hà đồng thuận và chấp hành các chính sách, pháp luật về đất đai của Nhà nước trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ; sớm hoàn chỉnh phương án giao đất theo diện tái định cư cho các hộ ở xã Nhị Hà ổn định đời sống và bàn giao mặt bằng thi công xây dựng. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến đối với các hộ khai hoang sau khi có văn bản giải trình của UBND huyện Thuận Nam.
Văn Nỷ