Để đạt được thành tựu này là nhờ sự chủ động, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ hai nước và sự phối hợp tích cực, triển khai có hiệu quả của các cơ quan hữu quan Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó, có Thương mại Hoa Kỳ (USTR).
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: moit.gov.vn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh điều này tại buổi tiếp mới đây với bà Katherine Tai, đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Katherine Tai, đồng thời là chuyến thăm cấp Bộ trưởng về kinh tế đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Biden tới Việt Nam.
Đáng lưu ý, chuyến thăm mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013 - 2023), giúp củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại hai nước.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh chuyến thăm cũng như đánh giá cao những đóng góp của cá nhân bà Katherine Tai trong thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực làm sâu sắc quan hệ song phương, cũng như những cơ chế, sáng kiến hợp tác đa phương do Hoa Kỳ dẫn dắt có lợi cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, khu vực; trong đó, có Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Mặt khác, đề nghị USTR tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giữa Chính phủ hai nước để tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất việc Hoa Kỳ sớm hiện thực hóa những cam kết hỗ trợ Việt Nam và các nước triển khai các thỏa thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu; trong đó, có Tuyên bố về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ để tổ chức thành công Năm APEC 2023.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và bà Katherine Tai đã trao đổi về nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai bên ghi nhận những thành tựu nổi bật trong hợp tác thương mại thời gian qua, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021; qua đó đóng góp tích cực vào quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và bà Katherine Tai cũng trao đổi về hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), quá trình thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), hợp tác tiểu vùng, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số…
Hơn nữa, hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy thương mại tự do, mở, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm tại khu vực, trong đó các nước ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Bà Katherine Tai khẳng định, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đã và đang được thúc đẩy, nhất là từ tháng 9/2020 đến nay. Trong năm 2023, sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, các “trụ cột thương mại” cũng được thúc đẩy mạnh mẽ; đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực thời gian qua.
"Ưu tiên lớn của Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay là thúc đẩy phục hồi thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, tự cường và bao trùm trên cở sở những bài học rút ra từ quá trình ứng phó dịch COVID-19 vừa qua”, bà Katherine Tai nhấn mạnh.
Theo đó, Hoa Kỳ chú trọng củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời bảo đảm lợi ích cho người dân, người lao động trong nước.
Hoa Kỳ sẽ ưu tiên thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác nhằm xây dựng hệ sinh thái kinh tế, đầu tư hiệu quả và bền vững, qua đó tạo động lực mới cho phát triển của kinh tế khu vực.
Bên cạnh đó, bà Katherine Tai cũng chia sẻ các ưu tiên và kế hoạch Năm APEC 2023 mà Hoa Kỳ đóng vai trò chủ nhà và đề cập một số nội hàm cơ bản trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Đặc biệt, xây dựng sự tin cậy giữa các đối tác, tăng cường chuyển giao công nghệ số, ngăn chặn hoạt động thương mại không công bằng, tăng cường phục hồi thương mại số cho các quốc gia trong khu vực.
Theo TTXVN/Báo Tin tức