Những kết quả nổi bật
Qua đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh, ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng trọng điểm của tỉnh. Vốn tín dụng trong hệ thống NH tiếp tục được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được tiếp tục quan tâm thực hiện. Để người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo nhu cầu để mở rộng sản xuất, kinh doanh, các TCTD đã tổ chức hội nghị khách hàng để truyền thông các chính sách tín dụng của NHNN trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh... Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình..
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Trên lĩnh vực đầu tư tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối tháng 1, toàn tỉnh đạt 14.200 tỷ đồng, với 132.400 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 12 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đạt 11.478 tỷ đồng, với 42.765 lượt khách hàng, chiếm 80,9%; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đạt 2.710 tỷ đồng, với 89.529 lượt khách hàng, chiếm 19,1% tổng dư nợ. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện theo đúng quy định, luỹ kế từ đầu chương trình đến nay đạt 109,635 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu, dư nợ đạt 550 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng, tăng 2,23% so với cuối năm 2022; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đạt 6.530 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ, dư nợ đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao, đạt 340 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cuối năm 2022. Trong chương trình kết nối NH-DN, thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng, với tổng giá trị 551 tỷ đồng. Số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn 101 tỷ đồng, với 42 khách hàng. Miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 56 tỷ đồng, cho 110 khách hàng... Nguồn vốn tín dụng đầu tư đã mang lại một số kết quả nhất định, góp phần tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế của tỉnh.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Để nâng cao chất lượng tín dụng, các TCTD trong tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động vốn và giảm dần lãi suất cho vay theo quy định. Đối với lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất phổ biến từ 0,3-4,1%/năm (kỳ hạn dưới 1 tháng); lãi suất 4,1-4,8%/năm (kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng); lãi suất từ 4,8-6,4%/năm (kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng); lãi suất từ 6,4-7,5%/năm (kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng). Đối với lãi suất cho vay, bình quân ở mức 10-16%/năm. Riêng lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,2-8%/năm. Tính đến cuối tháng 1, toàn hệ thống huy động vốn đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 142,3 tỷ đồng, so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 68,78% trong tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi thanh toán đạt 6.300 tỷ đồng, chiếm 30,73%. Riêng hoạt động tín dụng, đến cuối tháng 1, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 37.200 tỷ đồng, tăng 68,4 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Điểm đáng ghi nhận, số dư nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chỉ còn 225 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,6% so với tổng dư nợ, tăng 0,03% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022.
Trong thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP đến người dân và DN. Tiếp tục triển khai tích cực và có hiệu quả các chủ trương, chính sách về hỗ trợ phục hồi và phát tiển kinh tế địa phương. Trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình kết nối NH-DN để hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đối với các TCTD tập trung các giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, chất lượng; nhất là hệ thống ATM, POS để phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen” và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, lãi suất cho vay và phí dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng thực hiện kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố.
Nhật Nguyên