Đề cập đến bản chất của Nhà nước Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản động rằng quyền lực nhà nước thống nhất không có sự phân chia, kiểm soát, đối trọng lẫn nhau nên tất yếu dẫn đến tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền của những người trong bộ máy nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để đem lại lợi ích cho chính họ, từ đó vi phạm quyền làm chủ và xâm hại đến lợi ích của nhân dân; Đảng đứng trên Nhà nước, thâu tóm và thao túng quyền lực nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm từ đó dẫn đến hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình vận hành đất nước, phát triển kinh tế-xã hội...
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là thống nhất bởi đó là quyền lực của nhân dân cho nên không thể có sự phân chia cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước dẫu là lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là từ nhân dân mà ra, do nhân dân ủy quyền, giao quyền cho những người trong bộ máy nhà nước. Đây là nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước.
Cử tri xã Đăk Blà (Kon Tum) phát biểu tại buổi tiếp xúc Hội đồng Nhân dân 2 cấp.
Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất không có sự phân chia, tuy nhiên do nhận thức được thực tế: quyền lực nhà nước được nhân dân ủy quyền cho các cá nhân, con người, tổ chức cụ thể trong bộ máy nhà nước nên luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể bị tha hóa và sử dụng sai mục đích khiến cho quyền lực đó không còn thuộc về nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân mà thuộc về những người, những tổ chức được trao quyền lực, nắm quyền lực, cho nên, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm cho mọi tổ chức và hoạt động của Nhà nước đều trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, ngay từ sớm vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ra như là một yêu cầu tất yếu, bắt buộc để giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và khoản 3, Điều 2, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Hiến pháp 2013 còn quy định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, theo đó: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69); “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” (Điều 94); “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1, Điều 102), “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (Khoản 2, Điều 103). Những quy định này đồng thời được cụ thể hóa trong các luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân...
Như vậy, quyền lực Nhà nước Việt Nam là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuyệt đối không hề có sự mập mờ tạo điều kiện cho tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước.
Mặt khác, việc Hiến pháp, pháp luật quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước còn là cơ sở để nhân dân thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện giám sát mọi tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước, từ đó đánh giá được hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quyền cũng như kịp thời phát hiện, tố giác để xử lý các hành vi sai phạm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức này.
Bên cạnh đó, một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích vì lợi ích của dân.
Đây là yêu cầu tất yếu bởi “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.88). Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích chung của dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân và quay trở lại phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân.
Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa là Đảng đứng trên Nhà nước, làm thay Nhà nước, đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật Nhà nước ban hành mà là để bảo đảm giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, đảng viên trong Đảng vừa phải tuân thủ Điều lệ Đảng đồng thời phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật do Nhà nước ban hành trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, đường lối phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng vì lợi ích chung của nhân dân và sẽ bị xử phạt nghiêm minh nếu vi phạm pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước là để tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực này được sử dụng đúng mục đích. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua phương thức lãnh đạo rõ ràng được ghi nhận trong Cương lĩnh và các Văn kiện Đại hội Đảng.
Kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm của Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và các Đại hội trước đó, đề cập đến phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t.1, tr.196-197). Từ đây có thể khẳng định, chỉ có giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước thì quyền lực nhà nước mới được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm được tổ chức, thực thi vì lợi ích chung của nhân dân và cũng chỉ khi đó Nhà nước mới thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thời gian tới, để sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước đạt được mục tiêu giữ vững bản chất dân chủ của Nhà nước, để quyền lực nhà nước, chính quyền nhà nước thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì cần thiết phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói riêng và đối với hệ thống chính trị nói chung đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo tinh thần Đại hội XIII và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Thực tế, những quan điểm thù địch xuyên tạc bản chất của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn nhằm hướng tới mục tiêu làm thay đổi bản chất dân chủ của Nhà nước, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng và quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay nói chung.
Do đó, mỗi người dân Việt Nam cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới.
Theo tuyengiao.vn