Nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có 90 công nhân viên, nghỉ Tết từ ngày 19/1 (tức 28 tháng Chạp), ngày 29/1 đã gặp mặt đầu năm và ngày 30/1 chính thức vào ca sản xuất năm mới. Ngày làm việc đầu tiên, người lao động đã trở lại làm việc đông đủ với hơn 97%, chỉ còn một số lao động ở xa xin nghỉ thêm 1 - 2 ngày.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng mới từ mùng 5 Tết nên sau kỳ nghỉ Tết, các công nhân sẽ được chia ca sản xuất liên tục 3 ca/ngày. Năm 2023, Xuân Nguyên đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống mạng lưới phân phối đại lý từ đô thị đến nông thôn, đồng thời, xúc tiến xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đưa mức tăng trưởng đạt khoảng 20%.
Công nhân làm thớt gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh trở lại làm việc sau tết. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
"Trong 2 năm đại dịch COVID-19, một số trang trại ong đã phải giảm quy mô xuống 50% và mục tiêu năm 2023 là khôi phục lại 100% các trang trại đang liên kết cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến. Ngoài ra, trong quý I/2023, Xuân Nguyên cũng sẽ cho ra mắt các sản phẩm mới chất lượng cao, có thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Phát triển thị trường tiêu thụ chính là giải pháp để tăng công suất của các trang trại, tăng thêm việc làm cho lao động nông thôn ở các vùng nguyên liệu của Xuân Nguyên.", ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ thêm.
Anh Lê Văn Thẩm, công nhân sản xuất tại Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ, Tết Quý Mão người lao động được nghỉ Tết khá dài, có thời gian về quê đón Tết cũng gia đình, người thân. Ngày làm việc đầu tiên hầu hết anh, chị, em công nhân đã có mặt đông đủ và hào hứng bắt tay vào công việc.
"Trải qua thời gian khó khăn, đến hiện tại vẫn có công việc ổn định là điều khá may mắn với công nhân chúng tôi. Ai cũng mong năm nay kinh tế phát triển, công ty có nhiều đơn hàng hơn để có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, chăm lo tốt cho gia đình của mình", anh Thẩm chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí thương mại Đại Dũng cho biết, từ ngày 27/1 (mùng 6 Tết) công ty đã khai trương lấy ngày, tổ chức gặp mặt lì xì năm mới để động viên người lao động nhưng ngày 30/1 mới chính thức bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. Sau kỳ nghỉ Tết khá dài và được doanh nghiệp chăm lo tốt, nhân viên, công nhân của công ty ai cũng hăng hái, quyết tâm cùng công ty thực hiện các mục tiêu phía trước.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Công ty Đại Dũng có 1.300 lao động, trong ngày làm việc chính thức đầu năm mới, có hơn 90% công nhân viên đã có mặt, bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Khoảng 10% số công nhân còn lại chủ yếu có quê ở các tỉnh, thành xa TP Hồ Chí Minh nghỉ phép thêm ít ngày.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 30/1, phần lớn công nhân viên chức, người lao động đã quay trở lại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp bắt tay vào hoạt động sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023. Tỷ lệ lao động quay lại các cơ quan doanh nghiệp làm việc đạt khoảng 95%.
Khảo sát nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Chí Minh tại hơn 1.300 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cho thấy, trên 42% đơn vị sắp xếp cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 18, 19/1 (tức 27, 28 tháng Chạp) đã hoạt động trở lại từ ngày 27/1 (tức Mùng 9 Tết). Cụ thể như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial với hơn 20.000 lao động, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam với hơn 52.000 người hiện đã có hơn 70% lao động đi làm, số còn lại bắt đầu công việc từ đầu tháng 2.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy cuối năm 2022 nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt khiến nhiều người lao động bị luân phiên làm việc, ngừng việc, mất việc, song nhiều nhà máy, xí nghiệp cũng đã có được đơn hàng mới nên tình hình tích cực hơn. Nhiều đơn vị khuyến khích người lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm; đồng thời thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ, chăm lo tốt hơn, qua đó giúp người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Theo ông Lê Văn Thinh, hiện tình hình lao động việc làm ổn định, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt mức cao; các nhà máy, xí nghiệp cũng đã khai trương ngay trong sáng nay. Tình trạng đổi việc, nhảy việc sau Tết không còn là xu hướng bởi hầu hết công nhân mong muốn có việc làm ổn định, nhất là trong thời điểm đời sống kinh tế việc làm đang gặp nhiều khó khăn.
Tính đến cuối năm 2022, TP Hồ Chí Minh có hơn 286.000 doanh nghiệp và hơn 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng trên 4,7 triệu lao động (gồm trên 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và gần 2,3 triệu lao động tự do); trong đó, địa bàn TP Hồ Chí Minh có 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp với gần 1.500 doanh nghiệp và trên 270.000 lao động. Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với khoảng 45.000 người lao động.
Bình Dương tăng tốc sản xuất
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, 86% công nhân lao động đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão. Đến 16 giờ ngày 30/1, tình hình lao động trở lại làm việc tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và không có biến động lớn về lao động.
Số doanh nghiệp còn lại có kế hoạch hoạt động từ ngày 1 - 15/2; một số doanh nghiệp mới trở lại hoạt động ở khối văn phòng, khối kỹ thuật, khởi công lấy ngày tốt. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng theo chu kỳ hàng năm.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay từ cuối quý IV/2022, Sở đã ban hành các văn bản đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động dưới nhiều hình thức. Qua đó, người sử dụng lao động nắm rõ về thời gian nghỉ Tết theo quy định của Bộ luật Lao động; sớm thông báo công khai cho người lao động về kế hoạch trả lương, trả thưởng cũng như các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác trong dịp Tết; đặc biệt quan tâm những lao động không về quê trong dịp Tết Nguyên đán.
Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các hình thức khảo sát, nắm tình hình nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để nhanh chóng thực hiện kết nối cung - cầu lao động, người lao động có thể tiếp cận việc làm nhanh chóng, thuận lợi… Theo khảo sát, số lao động trở lại làm việc vào ngày 30/1 tương đối cao, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp đang rất khó khăn về đơn hàng. Dự báo tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 5/2 sẽ ổn định.
Theo khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý I/2023 là khoảng trên 10.000 lao động, trong đó tuyển mới chiếm khoảng 35%, chủ yếu để bù đắp số lao động không trở lại làm việc (khoảng 80% là lao động phổ thông nhưng sẽ yêu cầu kinh nghiệm hoặc có tay nghề). Ngành nghề chủ yếu vẫn là may mặc giầy da và một số ngành khác như điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ...
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đầu năm với số lượng lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Wide Việt Nam tuyển 940 lao động, Công ty May Esprinta VN tuyển 500 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette tuyển 200 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giant Manufacturing Việt Nam tuyển 200 lao động phổ thông chưa có tay nghề sẽ được đào tạo...
Doanh nghiệp Đồng Nai ổn định sản xuất ngay sau Tết Nguyên đán
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Trong ngày làm việc đầu tiên, tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt cao, nhiều công ty 99% công nhân đi làm bình thường, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay từ đầu năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 30/1 - ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ người lao động đi làm lại tại các doanh nghiệp đạt cao: Công ty Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa) đạt 99%, Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) đạt 98%, Công ty Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa) đạt 93%. Đa phần lao động chưa quay lại đã xin nghỉ phép, dự kiến vài ngày tới sẽ đi làm đầy đủ. Trong ngày 30/1, các doanh nghiệp hoạt động trở lại như ngày bình thường và có tiền mừng tuổi (lì xì) cho công nhân ngày đầu năm.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết, doanh nghiệp có trên 35.000 lao động, Tết năm nay công nhân nghỉ 11 ngày (từ 20 - 29/1). Trong ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão, hầu hết công nhân đã quay lại làm việc, tất cả người lao động đều được nhận lì xì 200.000 đồng/người. Ngày 30/1, toàn bộ các xưởng sản xuất, dây chuyền trong Công ty Taekwang Vina đều hoạt động hết công suất, số lượng sản phẩm làm ra ngang bằng những ngày thường.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.600 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, với trên 633.000 lao động. Đến ngày 30/1, có trên 1.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, gần 520.000 công nhân quay lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa, tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt từ 93% đến gần 99%. Đây là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp không bị gián đoạn sản xuất, đáp ứng đơn hàng giao cho đối tác. Để giữ chân lao động, khuyến khích công nhân quay lại làm việc đúng lịch sau Tết Nguyên đán, những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng cải thiện chế độ lương, thưởng, trợ cấp, môi trường làm việc; đồng thời hỗ trợ tiền vé tàu, xe cho công nhân về Tết, tổ chức lì xì cho người lao động nhân dịp đầu năm mới.
Năm 2023, do thiếu đơn hàng nên một số doanh nghiệp ở Đồng Nai cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Đến ngày 30/1, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại, trong đó có một số doanh nghiệp đông công nhân, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giày da...
Theo TTXVN/Báo Tin tức