Chuyển biến tích cực
Trong những năm qua, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông từng bước được đầu tư và hiện đại hóa, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm tích hợp dữ liệu dựa trên công nghệ điện toán đám mây, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh và 90% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính kết nối internet băng thông rộng; toàn tỉnh có 284 tuyến viba, 1.911 trạm BTS (502 trạm 2G, 718 trạm 3G, 691 trạm 4G); hệ thống cáp quang để cung cấp internet cố định và internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Viettel Ninh Thuận đã triển khai phát sóng 5G tại 6 trạm BTS và trong tháng 11/2022 hoàn thành việc lắp đặt và phát sóng thử nghiệm 5G thêm 69 trạm BTS, là một trong 22 tỉnh được triển khai trên toàn quốc. Cổng DVC trực tuyến của tỉnh đã kết nối với Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, đảm bảo 100% DVC trực tuyến được tích hợp, hỗ trợ thanh toán trực tuyến qua hệ thống thanh toán quốc gia.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm bấm nút xuất quân tuyên truyền chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Ảnh. U.T
Một trong những thành công bước đầu trong việc CĐS trên địa bàn tỉnh là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, DN tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số. Đến nay, hệ thống văn bản và điều hành được xử lý trên môi trường mạng đạt 98,65% đối với cấp tỉnh, 90,26% đối với cấp huyện và 74% đối với cấp xã. Trên Cổng DVC tỉnh có 1.330 DVC trực tuyến, đã đồng bộ trạng thái 1.290/1.330 DVC trực tuyến đạt 96,99%, tích hợp lên cổng quốc gia 1.282/1.330 DVC trực tuyến đạt 96,39%; trong năm 2022, trên hệ thống DVC tỉnh tiếp nhận 177.427 hồ sơ; trong đó, 128.034 hồ sơ trực tiếp, 49.393 hồ sơ qua mạng và bưu chính công ích. Bà Trương Thị Loan, ở phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: CĐS giúp người dân và chính quyền gần gũi, thuận lợi hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, thời gian làm các thủ tục nhanh gọn hơn, không phải đi lại nhiều lần, kể cả trong việc mua sắm cũng thuận tiện hơn.
Bệnh nhân sử dụng thẻ khám bệnh thông minh khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.Vũ
Kinh tế số và xã hội số trên địa bản tỉnh ngày càng phát triển, các tổ chức, DN ngày càng nhận thức rõ hơn việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động. Người dân đã tăng cường tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số. Đến nay, 100% DN đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, hơn 90% DN đã cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Trong lĩnh vực giáo dục đã đầu tư và triển khai các phần mềm hỗ trợ dạy và học trực tuyến. Hoạt động khám, chữa bệnh, đã triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện triển khai bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại, tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc triển khai các DVC trực tuyến.
Cơ hội và thách thức
Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Thuận lợi lớn nhất của tỉnh ta trong CĐS là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Điều hành, đây được xem là điều kiện tiên quyết của tỉnh về CĐS. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Hệ thống cáp quang để cung cấp internet cố định và internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn tỉnh. Phát sóng 5G tại 6 trạm BTS. Cổng DVC trực tuyến của tỉnh đã kết nối với Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, đảm bảo 100% DVC trực tuyến được tích hợp, hỗ trợ thanh toán trực tuyến qua hệ thống thanh toán quốc gia. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh là 431.172 máy, đạt 72,34%. Hiện sở đang phối hợp với Công ty An ninh mạng Viettel triển khai thí điểm Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh theo mô hình Cloud (SOC on-cloud) để giám sát, phát hiện, xử lý và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh theo mô hình “4 lớp”.
Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh. Ảnh: M.Hà
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Tuy nhiên, quá trình CĐS của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ chế chính sách cho phát triển CĐS chưa theo kịp xu thế hiện nay. Nguồn nhân lực CNTT của tỉnh vừa thiếu số lượng và hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về CĐS của tỉnh. Việc CĐS ở các DN của tỉnh còn chậm, thiếu sự mạnh dạn trong đầu tư, nhất là các DN nhỏ và vừa. Trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT hiện nay chủ yếu do các DN viễn thông và xuất khẩu dịch vụ CNTT đóng góp. Ngân sách dành cho việc triển khai CĐS còn hạn chế, hạ tầng CĐS còn chậm phát triển.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên số hóa, làm việc trên nền tảng số, công nghệ số. Bên cạnh cơ hội sẽ có nhiều thách thức, tuy nhiên, việc thực hiện CĐS là yêu cầu tất yếu theo xu thế của thời đại. Giúp cho mọi hoạt động được đưa lên môi trường số, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống, làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của DN. Bên cạnh đó, công cuộc CĐS được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Để công cuộc CĐS đạt hiệu quả và tạo ra bước chuyển mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cần tăng cường tuyên truyền, đối mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và DN về CĐS và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu. Triển khai xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm công nghệ số, nội dung số, quảng cáo số. Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm dân cư, đô thị thông minh, khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương; tập trung CĐS trên một số lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp,... Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.
Hồng Nguyệt