Kênh truyền hình CNBC đưa tin tại cuộc họp báo ngày 4/1, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết cơ quan này đang lo ngại về lợi thế tăng trưởng mạnh mẽ của XBB.1.5 ở châu Âu và Mỹ. Bà nói thêm rằng XBB.1.5 đã nhanh chóng thay thế các biến thể đang lưu hành khác tại các khu vực kể trên.
Theo dữ liệu cập nhật được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 30/12, biến thể phụ mới nổi này ước tính chiếm 40,5% số ca mắc COVID-19 tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 31/12. Đáng chú ý, XBB.1.5 chiếm đến 75% số ca mắc ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ. Các nhà virus học và nhà dịch tễ học cho rằng biến thể phụ mới của Omicron có thể gây ra một đợt bùng phát số ca mắc COVID-19 tại Mỹ mặc dù vẫn chưa rõ quy mô làn sóng này và liệu các bệnh viện có bị quá tải hay không.
Tuy nhiên, WHO cho biết XBB.1.5 dường như không gây bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời nhấn mạnh cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu của các cơ sở y tế trên khắp thế giới, tỷ lệ lây nhiễm cũng như các nghiên cứu đang diễn ra trong phòng thí nghiệm về chủng virus mới.
Hành khách đợi tại sân bay Malpensa, thành phố Milan (Ý), sau khi bắt buộc người đến từ Trung Quốc phải có kết quả âm tính với COVID-19.
Giới nghiên cứu vẫn chưa thể định liệu biến thể phụ này có gây ra bệnh nặng hơn hay dẫn đến các di chứng bất lợi như chứng “COVID kéo dài” hay không. Theo các nhà nghiên cứu, tiêm vaccine phiên bản cập nhật hiện là cách tốt nhất để phòng ngừa COVID-19.
Đối với các biến thể gây bệnh mới, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh nền vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất.
Điều phối viên ứng phó với dịch COVID-19 của Nhà Trắng Ashish Jha tuyên bố Chính phủ Mỹ đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ XBB.1.5 cùng với các biến thể khác, đồng thời hỗ trợ người dân tiếp cận vaccine cập nhật, cũng như xét nghiệm và điều trị miễn phí.
Virus SAR-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Theo WHO, đến nay, trên 500 biến thể khác nhau đã được ghi nhận. Biến thể XBB.1.5 của virus SARS-CoV-2 là hậu duệ của XBB - biến thể tái tổ hợp của các chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75 của biến thể Omicron. XBB đã lây lan mạnh ở một số khu vực của châu Á, cụ thể là Singapore vào đầu tháng 10/2022, nhưng sau đó có vẻ như tốc độ lây lan chững lại và biến mất.
Theo dữ liệu của WHO, cho đến nay biến thể này đã xâm nhập vào 29 quốc gia và chiếm khoảng 40% tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin về vaccine COVID-19. Theo dữ liệu sơ bộ, tiêm mũi tăng cường sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn trước biến thể XBB.1.5. Ngoài ra, người dân nên ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang ở những không gian đông người và cách ly nếu có triệu chứng mắc bệnh.
Cuối tháng 12/2022, trong thư gửi Bộ trưởng Y tế 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides - ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm - nêu rõ các nước cần khẩn trương xem xét mở rộng chương trình giải trình tự gien các ca bệnh COVID-19 và theo dõi nguồn nước thải để có thể nhanh chóng phát hiện sự tồn tại các biến thể mới.
Ủy viên Kyriakides cho rằng EU cần hết sức lưu ý diễn biến dịch bệnh trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại từ ngày 8/1/2023. Các chuyên gia EU đã khuyến khích 27 quốc gia thành viên liên minh yêu cầu xét nghiệm đối với những người trên các chuyến bay đến từ Trung Quốc và tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên những người đến. Hơn 10 quốc gia đã áp đặt hạn chế đi lại mới đối với những người đến từ Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, trong đó có nhiều quốc gia thuộc EU. Phản ứng trước việc nhiều quốc gia phương Tây hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, Bắc Kinh nhấn mạnh các biện pháp này là không thể chấp nhận, đồng thời cho rằng việc này thiếu cơ sở khoa học, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể thực hiện các biện pháp trả đũa.
Theo TTXVN