Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu đã kết thúc?

Thời tiết ôn hòa giúp các kho dự trữ khí đốt của EU chưa bị cạn kiệt, nhưng cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu có thể vẫn chưa chấm dứt vì phần lớn việc giảm tiêu thụ là do ngành công nghiệp bị phá hủy.

Vào tháng 12/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong năm nay bất chấp những nỗ lực thành công trong việc lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông 2022-2023. Giờ đây, ngày càng có nhiều người tham gia cảnh báo về nguy cơ đó.

Cho đến thời điểm này của mùa đông, phần lớn châu Âu vẫn đảm bảo nguồn cung năng lượng là do thời tiết ấm hơn bình thường. Tháng 10 và nửa tháng 11/2022 đặc biệt ấm áp, giúp mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt trên toàn EU- một chỉ thị bắt buộc - dễ dàng đạt được.

Tuy nhiên, khi thời tiết trở nên lạnh hơn vào cuối tháng 11, mức tiêu thụ năng lượng đã tăng vọt, do đó vào đầu tháng 12 vừa qua, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường năng lượng của Đức đã phải cảnh báo người dân Đức nên thận trọng vì họ không đạt được mục tiêu tiết kiệm 20% tổng tiêu thụ khí đốt của nước này.

Lời cảnh báo đó cho thấy tình hình bấp bênh như thế nào, mặc dù các kho lưu trữ đã đầy và luôn có nhiều LNG đến các cảng châu Âu.

Hãng tin Reuters dẫn lời các thương nhân cho biết mức khí đốt trong kho lưu trữ ở châu Âu vào cuối tháng 12/2022 ở mức cao trong năm trong mười năm qua và sẽ duy trì ở mức ổn định cho đến khi kết thúc mùa nóng năm 2023.

Nhiều người đã ngay lập tức mừng thầm khi dường như cuộc khủng hoảng năng lượng đã kết thúc. Nhưng sự ăn mừng đó có thể là quá sớm. Thực tế là mùa đông vẫn còn kéo dài, trong khi thời tiết vẫn có khả năng lạnh hơn nhiều vào tháng 1 và tháng 2. Bên cạnh đó, mùa đông kết thúc không có nghĩa là châu Âu có nhiều nguồn cung khí đốt tự nhiên.

Năm ngoái, các nước châu Âu đã đảm bảo nguồn dự trữ khí đốt kịp thời và dồi dào, một phần không nhỏ nhờ vào việc Nga đã chuyển phần lớn lượng khí đốt cho họ trong nửa đầu năm. Ngoại trừ việc Bulgaria và Ba Lan bị cắt nguồn cung vì họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp, nguồn cung cấp khí đốt lúc bấy giờ của châu Âu phần lớn vẫn ổn định.

Điều này đã giúp ích rất nhiều cho EU cùng với lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu kỷ lục từ Mỹ. Tuy nhiên, năm nay châu Âu sẽ không có lượng khí đốt của Nga.

Trong khi đó, EU nhiều lần tuyên bố không muốn tăng nhập khẩu khí đốt của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Ngược lại, họ muốn giảm đến mức tối thiểu, đồng nghĩa với việc EU sẽ cần phải tăng cường nhập khẩu LNG không chỉ từ Mỹ mà còn từ tất cả các nhà cung cấp khác với khối lượng lớn. Nhưng số lượng lớn này không thể có sẵn trong ngắn hạn, vì vậy, nhiều người đang cảnh báo về một năm khó khăn tiếp theo.

Như vậy, nguồn khí đốt có sẵn sẽ là lý do lớn nhất khiến châu Âu có thể gặp khó khăn trong năm nay. Nhưng ngay cả khi mùa đông này tiếp tục ôn hòa và trôi qua yên bình, cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu sẽ không kết thúc. Bởi vì LNG đắt hơn khí đường ống và đây là một thực tế không thể thay đổi. Thực tế này có nghĩa là ngay cả khi có đủ LNG để nạp đầy kho dự trữ của châu Âu (điều vẫn chưa chắc chắn, như IEA đã cảnh báo), thì hóa đơn nhập khẩu sẽ rất lớn trong năm thứ hai liên tiếp.

Hóa đơn nhập khẩu khí đốt cao rõ ràng là một vấn đề đối với các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là những nền kinh tế có ngành công nghiệp nặng phát triển và sử dụng nhiều khí đốt. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên đã xuất hiện khi phần lớn mức giảm tiêu thụ khí đốt ở Đức được các chính trị gia ca ngợi, nhưng thực ra là do nhu cầu của những nhà sản xuất công nghiệp bị suy giảm vì giá cao ngất ngưởng.

Nói cách khác, nhu cầu khí đốt ở phần lớn châu Âu đã giảm vào năm ngoái vì các ngành công nghiệp bị phá hủy. Đây là điều không tốt cho nền kinh tế khi các nhà máy phải đóng cửa và sa thải công nhân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm nay châu Âu sẽ phải cân nhắc giữa duy trì hoạt động kinh tế và đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho giai đoạn tiếp theo. Đó sẽ là một bước đi đầy thách thức và mạo hiểm.

Theo TTXVN