CPI bình quân năm 2022 tăng 4,17%

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 12/2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,31% so với tháng trước.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 12, so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 1,18%. Tiếp đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,83%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,49%, chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia các loại do giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24% do nhu cầu mua sắm những ngày cận Tết tăng, chi phí vận chuyển tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,10%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Hai nhóm có chỉ số giá không tăng không giảm đó là: bưu chính viễn thông và giáo dục. Riêng giao thông là nhóm có mức giảm duy nhất với mức giảm 2,51%, do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trong tháng, cụ thể: Giá xăng 95 giảm 2.167 đồng/lít; xăng 92 giảm 1.943 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.836 đồng/lít.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.

Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân năm 2022 tăng 4,17% so với bình quân năm trước (CPI bình quân năm 2021 tăng 2,78%). Nguyên nhân làm CPI bình quân năm 2022 tăng là do: Trong năm giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 34 đợt (18 đợt tăng và 16 đợt giảm giá), bình quân giá xăng dầu năm 2022 tăng 27,8% so năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,87 điểm phần trăm; giá dầu diezel tăng 53,37% so năm 2021. Giá gas trong nước được điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới, bình quân năm 2022 tăng 11,01% so cùng kỳ, nhưng lại giảm 3,36% so với tháng 12 năm 2021. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 12,12% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tuy có xu hướng giảm nhưng so với năm trước vẫn tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI tăng 0,21 điểm phần trăm. Một nguyên nhân nữa là do giá dịch vụ giáo dục tăng 12,21% do mức học phí trong năm tăng. Chi phí và nguyên liệu đầu vào tăng làm một số đồ dùng học tập và văn phòng tăng 3,46%, góp phần làm chỉ số nhóm này tăng cao so với tháng trước. Mặt khác, giá các mặt hàng phi lương thực- thực phẩm tăng 7,62% so năm trước làm CPI tăng 2,35 điểm phần trăm.

Đối với hoạt động thương mại và dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa dồi dào, du lịch biển thu hút nhiều khách du lịch, góp phần làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2022 ước đạt 32.163,6 tỷ đồng, tăng 33,0% so với năm 2021. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 25.417,2 tỷ đồng, chiếm 79,0% tổng mức và tăng 26,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng phương tiện đi lại tăng 43,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 34,9%; may mặc tăng 33,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 18,2%; lương thực, thực phẩm tăng 17,6%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.310,6 tỷ đồng, chiếm 13,4% và tăng 67,1%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,7 tỷ đồng, chiếm 0,02% và tăng 475%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.428,1 tỷ đồng, chiếm 7,6% và tăng 54,6%. Đặc biệt, cả 4 ngành đều đạt mức tăng cao nhất từ năm 2016 đến 2022.