Tại Hội nghị về công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp ngày 26/12, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhận định: Đến tháng 12/2022, các trường nghề tuyển được 2,3 triệu học viên, tăng khoảng 400.000 người so với năm 2021. Một trong những nguyên nhân giúp tăng số người học nghề trong năm 2022 đến từ công tác truyền thông. Trong bối cảnh chuyển đổi số, trường nghề đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội, tổ chức nhiều cuộc thi để kết nối người học. Bên cạnh đó, công tác phân luồng, định hướng học sinh được duy trì tốt, quan điểm đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp được lan tỏa.
Đào tạo gắn với thực hành trường cao đẳng, trung cấp.
Năm 2012, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đặt chỉ tiêu 2,2 triệu học viên, nhưng chỉ tuyển được 1,95 triệu người học, đạt 85,14%. Theo Tổng cục, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19, việc đào tạo phải chuyển sang hình thức trực tuyến, gây khó khăn trong thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
"Những kết quả này cho thấy chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao, nhận thức của xã hội, doanh nghiệp học nghề cũng từng bước được cải thiện”, ông Bình cho biết.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện bậc trung cấp, cao đẳng có khoảng 800 ngành, nghề; chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ.
Trong năm qua, các trường cao đẳng, trung cấp đã chủ động trong công tác truyền thông; xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông, các nội dung đã định hướng; phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp.
Nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh 5 nội dung.
Trong đó, nổi bật là: Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai; tiếp tục thực hiện từng bước hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội; Chú trọng tuyên truyền về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và nhân rộng trong cả nước; triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025...
Theo TTXVN/Báo Tin tức