Đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong trường trung học

Giáo dục (GD) STEM là cách tiếp cận trong dạy và học, trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering ) và toán học (Math). Đây là mô hình GD tiên tiến, mang xu hướng toàn cầu, được các nước áp dụng tích cực vào GD kết hợp giữa khoa học và công nghệ, giữa lý thuyết và thực hành, giữa nghiên cứu và trải nghiệm phát huy tối đa sức sáng tạo của học sinh (HS) các cấp.

 Triển khai thực hiện GD STEM, tháng 11/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Nhà Xuất bản GD khu vực phía Nam tổ chức Hội thảo hướng dẫn tổ chức dạy học cấp THCS theo định hướng GD STEM cho tất cả các phòng GD&ĐT, trường THCS trên địa bàn tỉnh và giáo viên cốt cán thuộc các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ và Tin học; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS tiếp cận dạy học theo định hướng GD STEM. Cùng với đó, Sở ban hành Công văn số 2043/SGDĐT-NVDH về việc triển khai thực hiện GD STEM trong GD trung học từ năm học 2020-2021; tháng 9/2020, tổ chức tập huấn xây dựng chủ đề dạy học STEM cấp THPT tại các huyện, thành phố. Từ năm 2020 đến nay, Sở GD&ĐT lồng ghép, tích hợp GD STEM, nhất là định hướng GD STEM trong chương trình GD phổ thông 2018 trong các tập huấn về chuyên môn cho cán bộ, giáo viên. Hằng năm, phối hợp với Trường Đại học Nha Trang, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) tỉnh và Tỉnh đoàn hướng dẫn, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức Cuộc thi KHKT dành cho học sinh (HS) trung học. Đối với các trường THCS và THPT, đã xây dựng chuyên đề dạy học liên môn theo định hướng GD STEM; xây dựng kế hoạch hướng dẫn HS nghiên cứu KHKT và tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực STEM theo hướng thiết thực, phù hợp thực tế và điều kiện của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Tháp Chàm tham gia Ngày hội STEM tỉnh Ninh Thuận năm học 2022-2023.

Từ các giải pháp nói trên, đến nay, GD STEM từng bước được triển khai rộng rãi đến các trường trung học, thu hút đông đảo giáo viên, HS tham gia và mang lại hiệu quả tích cực. Số chủ đề dạy học liên môn được xây dựng theo định hướng GD STEM mỗi trường có 2 chủ đề/học kỳ. Số dự án tham gia Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh hằng năm có từ 35-45 dự án. Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp quốc gia hằng năm Sở GD&ĐT đều cử đoàn HS tham gia và nhìn chung năm nào cũng có HS đoạt giải. Đơn cử như năm học 2021-2022, Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo KHKT dành cho HS trung học (giai đoạn 1 của Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh) thu hút 70 ý tưởng (48 ý tưởng cấp THPT và 22 ý tưởng cấp THCS) tham gia, tăng 13 ý tưởng thuộc cấp THCS so với năm học trước. Kết quả, có 44 ý tưởng (30 ý tưởng cấp THPT và 14 ý tưởng cấp THCS) được chọn tham gia Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh. So với năm học trước, số đơn vị dự thi nhiều hơn với 5/7 phòng GD&ĐT và 18/22 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Sau cuộc thi cấp tỉnh, có 2 dự án được chọn tham dự Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp quốc gia. Kết quả, có 1 dự án đoạt giải Tư và 1 dự án đoạt giải Triển vọng.

Đặc biệt, từ việc triển khai thực hiện GD STEM, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đơn vị trường học tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) triển khai thực hiện GD STEM thông qua việc tăng cường hoạt động trải nghiệm STEM (thăm quan các trường đại học, cao đẳng, làng nghề, doanh nghiệp…) phù hợp với chủ đề dạy học; thành lập câu lạc bộ: KHKT, Vật lý, Hóa học; tổ chức ngày hội STEM cấp tổ, cấp trường; phát triển phong trào tham gia các cuộc thi KHKT và phối hợp tốt với phụ huynh HS. Hay như Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) triển khai GD STEM thông qua mô hình câu lạc bộ KHKT, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHKT và tổ chức các cuộc thi sáng tạo KHKT với nhiều chủ đề khác nhau, qua đó giúp nhà trường đoạt 1 giải Nhất và 1 giải Tư trong Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp quốc gia; hằng năm, nhà trường tham gia và luôn đoạt giải cao trong Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh. Đối với Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc), trong năm học 2017-2018 đã tổ chức được Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo cấp trường với sự tham gia của HS khối lớp 8 và lớp 9. Từ năm học 2020-2021 đến nay, tổ chức thành công 2 ngày hội STEM cấp trường giúp HS giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện niềm đam mê nghiên cứu KHKT trong từng sản phẩm trưng bày. Những sản phẩm tạo ra từ quá trình dạy học STEM giúp HS “vừa học vừa chơi” một cách hiệu quả. Nhà trường cũng mạnh dạn, tích cực tham gia Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh và đoạt giải Nhì đối với đề tài “Hệ thống đèn chăm sóc cây thông minh”, giải Tư đối với đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Tháp Hòa Lai”. Đây là kết quả của những nỗ lực, sáng tạo của thầy và trò nhà trường trong hoạt động nghiên cứu KHKT qua các chủ đề dạy học theo định hướng GD STEM, đúc kết từ hoạt động trải nghiệm thực tế của giáo viên, HS trong quá trình giảng dạy, học tập.

Góp phần đưa GD STEM vào các trường phổ thông và hình thành những câu lạc bộ STEM để giáo viên, phụ huynh đồng hành cùng HS khám phá, trải nghiệm KHKT trên tinh thần, quan điểm GD STEM, cuối tháng 11-2022, Sở GD&ĐT tổ chức Ngày hội STEM tỉnh Ninh Thuận để giáo viên, HS các trường tham gia học tập về các sản phẩm STEM được trưng bày, trao đổi phương pháp thực hành tốt trong tổ chức dạy học STEM theo chương trình GD phổ thông 2018; chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động GD STEM trong các nhà trường thời gian tới. Qua đó, góp phần phát huy tính chủ động, tích cực, tăng cường các kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tư duy sáng tạo cho HS các cấp và nâng cao chất lượng GD theo hướng toàn diện.