Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tôn chỉ, mục đích, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Hội Chữ thập đỏ trong hoạt động nhân đạo xã hội trong tình hình mới. Thông qua việc triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư nhằm nâng cao năng lực hoạt động, giúp cho các cấp Hội Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở hoạt động ngày càng phát triển.
Về nội dung thực hiện, Kế hoạch đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm đó là:
1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh trong tình hình mới
Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, hội chữ thập đỏ các cấp và Nhân dân về công tác nhân đạo. Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh, tiến bộ xã hội của địa phương.
Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo. Khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp. Xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị.
Cán bộ, đảng viên gương mẫu, tích cực thực hiện công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, cổ vũ gương “Người tốt, việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ và công tác chữ thập đỏ
Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hoạt động chữ thập đỏ và các văn bản liên quan. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo.
Tiếp tục rà soát, xây dựng các văn bản có liên quan đến công tác nhân đạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và điều kiện để Hội Chữ thập đỏ các cấp thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo của tỉnh.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Chữ thập đỏ các cấp, sắp xếp biên chế chuyên trách Hội Chữ thập đỏ đủ số lượng và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác nhân đạo trong tình hình mới, đề xuất điều chỉnh chế độ chính sách đối với cán bộ Hội Chữ thập đỏ.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu chính sách, vận động nguồn lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, tính chuyên nghiệp và tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp.
Tập trung phát triển hội viên, lực lượng thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong cộng đồng dân cư, trong các trường học, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh... Phát huy vai trò các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ phát động; mỗi hội viên, tình nguyện viên là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phấn đấu ở đâu có hoạt động của Hội thì ở đó có lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ an sinh xã hội và thực tiễn địa phương, đơn vị; hướng mạnh về cơ sở, lấy con người làm trung tâm; kết hợp giữa giúp đỡ trực tiếp, trước mắt với hỗ trợ lâu dài về sinh kế; mở rộng phạm vi giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, công sức, trí tuệ; lan toả sâu rộng truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, giá trị nhân văn của công tác hội chữ thập đỏ.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo; định kỳ báo cáo kết quả công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.
4. Đẩy mạnh phối hợp hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo
Hội Chữ thập đỏ cần phát huy vai trò, nòng cốt, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo. Tích cực tham gia hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến đối tượng khó khăn, yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia hoạt động chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện.
Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính, phân bổ nguồn lực tài trợ, giúp đỡ,... bảo đảm đúng quy định, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ và đối tượng thụ hưởng.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X, Kết luận số 44- KL/TW, ngày 14/11/20202 của Ban Bí thư và Kế hoạch này; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp để triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW và Kế hoạch này.
Đảng đoàn Hội Đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội Chữ thập đỏ các cấp bảo đảm đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, từ thiện.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với đảng đoàn, cấp ủy các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia hoạt động chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện.
Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực; chủ động, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện Chương trình liên tịch nhằm phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ trong hoạt động nhân đạo, nhất là công tác cứu trợ nhằm đảm bảo cho công tác nhân đạo triển khai đồng bộ, tránh chồng chéo, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; đồng thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai.
Ban Dân vận Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
NT