Những năm gần đây, ông Pi Năng Manh (ảnh) ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến (Bác Ái) nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ các loại cây ngắn ngày sang trồng mì cao sản đã cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nâng cao đời sống của gia đình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đến thăm rẫy mì với diện tích trên 5 ha chuẩn bị thu hoạch, ông Manh, tâm sự: Bản thân sinh ra ngay trên mảnh đất của quê hương, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng cần cù, chăm chỉ làm ăn dần dần tích lũy được một số vốn để sang nhượng trên 5 ha đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nhờ chịu khó, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng theo khuyến cáo của xã, đến nay kinh tế gia đình tôi đã ổn định, thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/năm nhờ vào trồng mì. Vụ mì năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây mì phát triển tốt hơn năm ngoái, giá cả cũng ổn định nên năm nay gia đình rất phấn khởi, đón Tết đầm ấm.
Từ nỗ lực tìm tòi, học hỏi, dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, tìm hiểu các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế áp dụng vào thực tế sản xuất nên ông Manh làm chủ được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mì tốt. Theo ông Manh, để cây mì cho năng suất cao, củ to thì việc chọn giống hết sức quan trọng. Qua tìm tòi, học hỏi, ông Manh quyết định chọn 2 giống mì cao sản là K94 và HL-S11 vào trồng. Bên cạnh việc chọn giống thì mật độ trồng phải thưa, cộng với quá trình chăm sóc cây mì sẽ quyết định đến năng suất sau này. Qua hơn 10 năm trồng mì với diện tích trên 5 ha và chăn nuôi dê với tổng đàn trên 15 con đã giúp gia đình có của ăn, của để. Vừa rồi ông mới xây lại ngôi nhà mới trên 700 triệu đồng, mở một tiệm tạp hóa để vợ con bán tại nhà và sắm thêm 1 chiếc máy cày thứ 2, phục vụ sản xuất và làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập.
Nhận thấy mô hình từ trồng mì và chăn nuôi dê của gia đình ông Manh mang lại hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Phước Tiến đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Cùng với việc hằng ngày chăm sóc rẫy mì, ông Manh còn dành thời gian giúp đỡ nhiều người trong thôn về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây mì đạt năng suất cao. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho 6-7 lao động thường xuyên ở địa phương với công việc chăm sóc cây mì và lái máy cày, với mức thu nhập trên 200.000 đồng/ngày/người. Bên cạnh tích cực tham gia sản xuất, gia đình ông luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân như: Tích cực tham gia các phong trào của thôn cũng như xã; đóng góp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”... Với nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và các hoạt động xã hội, từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Manh luôn được công nhận gia đình văn hóa và đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tiến, cho biết: Nhờ thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa bàn xã đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của nông dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Hiện trên địa bàn xã đã phát triển diện tích trồng mì trên 200 ha, trong đó thôn Suối Rua với gần 90 ha. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, ông Pi Năng Manh là nông dân tiêu biểu trong thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
Kha Hân