“Cơn sóng thần màu xám” là cụm từ thường được nhắc đến khi nói về tình trạng già hóa dân số nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Xu hướng này đang đặt ra thách thức lớn đối với các chính phủ trong nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường lao động, hệ thống an sinh xã hội và bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Nguy cơ hiện hữu
Theo Liên hợp quốc, trong những thập niên sắp tới, thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng dân số già. Trên thực tế, nhiều nước đã và đang đối mặt tình trạng này, do tỷ lệ sinh liên tục giảm trong khi tuổi thọ tăng. Liên hợp quốc cho biết, tỷ lệ dân số hơn 65 tuổi trên thế giới dự kiến tăng từ 10% năm 2022 lên 16% vào năm 2050.
Nhật Bản là một trong số những nước có tỷ lệ dân số già cao hàng đầu thế giới. Theo số liệu Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố mới đây, những người trên 65 tuổi chiếm khoảng 29% tổng dân số nước này, mức cao nhất kể từ năm 1994.
Người già ở Nhật Bản tập thể dục với tạ gỗ không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất
mà còn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ và trầm cảm.
Dự kiến năm 2022, Nhật Bản lần đầu ghi nhận số ca sinh mới dưới 800 nghìn ca/năm, mức thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu khảo sát về dân số. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno gọi đây là một “tình huống nguy cấp”.
Trong khi đó, Giáo sư Yu Shibata tại Đại học Tokyo nhận định, cải thiện tình trạng tỷ lệ sinh thấp là thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và Nhật Bản nói riêng trải qua nhiều khó khăn, tác động trực tiếp kế hoạch sinh con của nhiều gia đình.
Không chỉ Nhật Bản, nhiều nước cũng đối mặt tình trạng tương tự. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh thấp đang là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu. Tổng tỷ suất sinh, tức là số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời, đã giảm trong năm thứ 6 liên tiếp ở Hàn Quốc và hiện ở mức thấp kỷ lục là 0,81.
Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, trong 16 năm qua, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD để xoay chuyển tình thế, song tỷ lệ sinh vẫn giảm mạnh. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự báo, Xứ sở kim chi sẽ trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới vào năm 2044, khi số người trên 65 tuổi có thể chiếm tới 36,7% dân số.
Tại châu Âu, tỷ lệ người cao tuổi ở Italia tiếp tục tăng khi độ tuổi trung bình được nâng từ 43 lên 46 tuổi. Cơ quan Thống kê quốc gia Italia cho biết, dân số nước này có thể giảm gần 20% trong vòng 5 thập niên tới do tỷ lệ sinh giảm.
Thực trạng đáng lo ngại nêu trên gây ảnh hưởng tiêu cực các nền kinh tế, đồng thời đặt ra bài toán khó cho các nước trong việc duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và bù đắp số lao động bị thiếu hụt. Giới phân tích cho rằng, lực lượng lao động là một trong những chìa khóa quan trọng giúp các chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số khiến nhiều nước gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động của nền kinh tế. Tỷ lệ dân số Nhật Bản trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) hiện đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ chiếm 58,99%.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tỷ lệ này có thể sẽ giảm từ 71% vào năm 2022 xuống còn 46,1% vào năm 2070. Chuyên gia kinh tế Shruti Singh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh, nếu các nước không nhanh chóng hành động, sự suy giảm tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số cũng làm tăng gánh nặng đối với chương trình an sinh xã hội tại các nước. Nhật Bản đang phải nỗ lực trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn do số lượng người già tăng cao. Dự toán ngân sách tài khóa hiện nay cho thấy, mức chi phí chăm sóc cho người cao tuổi ở Nhật Bản lên tới gần 17 nghìn tỷ yen.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất thế giới, khoảng 33,1% người trong độ tuổi từ 70 đến 74 vẫn đang làm việc, đứng đầu OECD về tỷ lệ làm việc ở nhóm tuổi này và cao hơn nhiều so với mức trung bình 15,2% của OECD.
Nỗ lực thích ứng
Để khắc phục tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, thời gian qua, các nước đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh cơ cấu bảo hiểm xã hội theo hướng tăng hỗ trợ sinh con và mức đóng bảo hiểm của người trên 75 tuổi, để giảm gánh nặng cho lực lượng lao động. Theo đó, trợ cấp một lần sinh và chăm sóc con cái sẽ tăng lên 500.000 yen thay vì mức 420.000 yen như hiện nay. Ngoài ra, trong cuộc họp hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Kishida Fumio cũng khẳng định sẽ tăng quy mô ngân sách dành cho trẻ em.
Hàn Quốc cũng vừa thông qua Kế hoạch trung và dài hạn trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ lần thứ 4, giai đoạn 2023-2027, nhằm mở rộng chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em và tăng tỷ lệ sinh.
Theo kế hoạch mới, các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được chu cấp 700.000 won/tháng, tăng gấp hơn hai lần mức hiện nay. Các khoản hỗ trợ này sẽ được đưa vào chế độ tiền lương của bố mẹ. Chế độ hỗ trợ mới sẽ được áp dụng ngay từ tháng 1/2023.
Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, Hàn Quốc cần cải cách toàn diện các chính sách để tìm ra giải pháp đảo ngược tình trạng dân số giảm và chuẩn bị cho thời đại tuổi thọ người dân lên tới 100 tuổi.
Trong khi đó, để khỏa lấp những khoảng trống do thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều nước châu Âu đã nới lỏng các điều kiện nhập cư đồng thời tăng lương và phúc lợi nhằm thu hút lao động nước ngoài.
Mới đây, Chính phủ Đức đã nhất trí với kế hoạch cải cách luật nhập cư, trong bối cảnh quốc gia đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách mở cửa thị trường việc làm đối với các lao động ngoài EU. Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, Đức nên thu hút thêm lao động nước ngoài và tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ và người lớn tuổi làm việc để tránh tình trạng thiếu nhân lực, đồng thời tránh cuộc khủng hoảng hệ thống lương hưu trong những năm tới.
Bên cạnh việc mở rộng cánh cửa chào đón người lao động nhập cư, giới phân tích cho rằng, các nước nên tiếp tục điều chỉnh chính sách nhằm tạo cơ hội làm việc tốt hơn cho lực lượng dân số già.
Theo OECD, do những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe trên thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân và xu hướng “tuổi già khỏe mạnh” ngày càng tăng. Giáo sư Sarah Harper tại Đại học Oxford nhấn mạnh, hầu hết những người ngoài 60 tuổi có học vấn đều có thể đóng góp cho nền kinh tế.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh, các nước nên chủ động thích ứng tình trạng già hóa dân số. Nếu có thể thúc đẩy sự đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển kinh tế-xã hội, gánh nặng về dân số già sẽ giảm bớt.
Giới phân tích cho rằng, tình trạng già hóa dân số vừa là thành tựu phát triển, vừa đặt ra thách thức lớn với sự phát triển. Tìm ra lời giải cho bài toán khó này sẽ góp phần giúp các nước đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo Báo Nhân Dân