Theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia 15 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Các hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là rào cản phòng vệ thương mại. Đây là một công cụ hạn chế nhập khẩu được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các FTA cho phép các thành viên sử dụng trong những điều kiện nhất định. Trong đó, phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương chia sẻ thông tin về các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 16/12.
Ông Chu Thắng Trung cho biết, liên quan đến các vụ phòng vệ thương mại, thống kê trong giai đoạn 2005 – 2010 có 26 vụ, giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ, giai đoạn 2016 – 2021 lên đến 109 vụ. Riêng tháng 11, có đến 16 vụ phòng vệ thương mại. Thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu Việt Nam phải kể đến Hoa Kỳ (43 vụ), Asean (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)... Đối với thị trường EU, số lượng vụ việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có giảm so với trước, với 14 vụ.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý giải quyết hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu bị áp dụng phòng vệ thương mại. Sau đó nhiều vụ việc, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp. Các mặt hàng được gỡ khó nhiều nhất khi bị áp dụng phòng vệ thương mại là mặt hàng tôm, các tra, cá basa, một số sản phẩm thép, mật ong,... góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
"Sỡ dĩ các vụ phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng, trước tiên là do sự cạnh tranh gay gắt trong hoạt động xuất khẩu. Thứ hai là liên quan đến các chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao và các chính sách tài chính tiền tệ của nhiều quốc gia có sự thay đổi để đáp ứng tình hình mới... Điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nói riêng và hoạt động xuất khẩu nói chung của Việt Nam. Để giải quyết các vụ việc này, Việt Nam đưa ra những bằng chứng xác đáng để không bị áp thuế cao khi xuất khẩu hàng hóa và giảm tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của cả nước”, ông Chu Thắng Trung cho biết thêm.
Trong khi các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam cũng đã xây dựng “hàng rào” bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 22 vụ việc, trong đó có 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp...
Theo TTXVN/Báo Tin tức