TRƯỜNG SA HÔM NAY

Những người “đưa đò” ở Trường Sa

(NTO) Tôi muốn nói về công việc “gõ đầu trẻ” của những thanh niên tình nguyện ra công tác tại huyện đảo Trường Sa. Họ không nhận mình là nhà giáo nhưng khi đứng trên bục giảng với cả tấm lòng, họ thấy hạnh phúc vì đã góp phần mang đến ánh sáng văn hóa cho trẻ em trên đảo.

Từ nghề “tay trái”…

Tôi nghe chuyện cô giáo Bùi Thị Nhung, dạy học trên đảo Trường Sa Lớn qua lời kể của đồng nghiệp. Một người thầy tận tụy, yêu nghề, chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4 mà lớp học “tập thể” ấy chỉ hơn chục học sinh. Chuyến theo đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa mới thật là “mắt thấy tai nghe”. Đồng nghiệp với cô giáo Nhung còn có rất nhiều thầy cô giáo khác. Họ là những người hưởng ứng chương trình Thanh niên tình nguyện đến biên giới, hải đảo do Tỉnh đoàn Khánh Hòa phát động. Con đường đến với công việc “gõ đầu trẻ” của họ hệt như một cái duyên.

Lớp học ghép của học sinh ở đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Do điều kiện khó khăn, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự nên xã đảo Song Tử Tây đề ra chủ trương cán bộ xã kiêm luôn công việc dạy học. Hầu hết mọi người đều thiếu tự tin đứng trên bục giảng vì chưa từng được trang bị nghiệp vụ sư phạm. Nhưng đến với cái nghề “tay trái” này bằng niềm đồng cảm với nỗi thiệt thòi của trẻ em đảo nên bản thân mỗi người luôn động viên mình nỗ lực. Là người tiếp bước các thế hệ thanh niên tình nguyện công tác ở Trường Sa, chàng trai 25 tuổi Trương Xứ Long nhận nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây năm nay đã là năm thứ 4. Anh đang đảm nhận công việc của một chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã kiêm giáo viên Tiểu học. Long chia sẻ: “Buổi đầu đứng lớp, mình còn chưa hình dung ra cách vào bài thế nào. Cứ một mạch “hôm nay chúng ta học bài…” hệt cái máy được lập trình sẵn, chỉ việc Enter”. Chủ nhiệm lớp mầm non và lớp 1, thầy giáo Đoàn Quốc Thái gần như một “cô nuôi dạy trẻ”. Tại lớp học ghép này, mỗi buổi đến trường là một ngày vui. Trong khi đợi thầy, bé Huỳnh Nhật Quang (5 tuổi) có cơ hội cùng ê a đánh vần với các anh chị đang học lớp vỡ lòng. Rồi đến lượt mình, Nhật Quang vừa được thầy Thái dạy hát, dạy kể chuyện lại còn được trực tiếp “biểu diễn” cho các anh chị thưởng thức. Nhờ đó, lớp học sôi động hẳn lên nên trò nào cũng thích đến trường. Thầy giáo Trần Vũ Lân ( Phó Chủ tịch UBND xã) tâm sự: “Học sinh trên đảo chỉ dừng lại ở cấp Tiểu học, kiến thức không đáng ngại, chỉ lo cách dạy không phù hợp lứa tuổi. Đó là điều mà chúng tôi trăn trở lâu nay”. Công việc chuyên trách gần như chiếm hết quỹ thời gian trong ngày nên việc chuẩn bị giáo án, trao đổi bài vở, mọi người tranh thủ làm đêm. Một người nói thêm: “Có hôm anh em cùng nhau làm mô hình dạy học đến tận khuya. Vì đều là những người thầy “nghiệp dư” nên chúng tôi luôn chia sẻ và hỗ trợ nhau trong nghề “tay trái” này”.

Những lớp học trên đảo Sinh Tồn cũng chứa đựng “cơ duyên” thầy trò như thế. Mới nhận công tác ở đảo 2 năm nhưng thời gian gắn bó với học sinh của thầy Hồ Bảo Ân còn nhiều hơn khoảng thời gian anh dành cho người vợ trẻ nơi quê nhà Ninh Hòa (Khánh Hòa). Thầy Ân bộc bạch: “Trên đảo thiếu giáo viên nên mình đảm trách việc dạy học, chứ nghiệp vụ sư phạm thật ra không có. Dạy học với mình là những giờ thầy và trò cùng học. Trò học kiến thức, ngược lại, thầy quan sát, lắng nghe học sinh để nắm bắt điều các em mong muốn”.

…Đến việc “đưa đò” thực thụ

Trên huyện đảo Trường Sa có không ít những mái trường như thế. Nơi đó có những người thầy tâm huyết và những cô cậu học trò hồn nhiên, tinh nghịch nhưng rất đỗi đáng yêu. Khắc phục khó khăn, thiếu thốn của điều kiện dạy và học trên đảo, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, những lớp học ghép ở Trường Sa vẫn luôn duy trì tốt sĩ số. Những người thầy “tay trái” vẫn miệt mài đứng lớp với lửa nhiệt huyết thanh niên và lòng yêu trẻ đảo thiệt thòi. Không có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, thầy cô giáo ở đảo tự tìm tòi, học hỏi, tự trau dồi kỹ năng dạy học bằng những trải nghiệm qua mỗi giờ giảng. “Trăm hay không bằng quen tay”, với thầy Thái, thầy Ân…họ đã không còn bỡ ngỡ. Nghề “tay trái” hôm nay đã thực sự là niềm đam mê của họ. Học sinh thưa thớt, giáo cụ tự tạo, mô hình học tập tự làm nhưng buổi học nào cũng hấp dẫn, sinh động, chất lượng đào tạo ngày một nâng lên. Và chính từ những giờ học như thế, nhen nhóm cho các em tình cảm yêu thầy mến bạn, gắn bó với trường, với lớp. Đáp lại sự nỗ lực của những giáo viên tình nguyện, 100% học sinh đảo đều đạt học lực khá, giỏi. Cô học trò nhỏ Lê Thị Tường Quyên, cựu học sinh Trường Tiểu học Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn), vừa vào đất liền để theo học năm cuối cấp Tiểu học. Tuy thầy trò xa cách nhưng trong mỗi lá thư gửi gia đình đang sinh sống trên đảo, Quyên đều hỏi thăm thầy giáo cũ và khoe thành tích đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến học kỳ vừa rồi.

Người thầy được ví như những người “đưa đò”. Và những người thầy “tay trái” trên huyện đảo Trường Sa là những “ông lái đò” thực sự. Tôi nói thế là bởi, đặc thù của vùng hải đảo, trẻ em học hết lớp 4 là phải chờ tàu vào đất liền để học tiếp các cấp lớp trên. Bao lượt học sinh như Tường Quyên vào bờ là bấy nhiêu lần “con đò” mang sự nghiệp trồng người nảy nở. Từ Trường Sa khô cằn, khắc nghiệt, mầm xanh đó lại theo những chuyến tàu về bờ, tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, vươn cao…

Bài 4: DỰ ÁN "BẮT NẮNG, GIÓ" PHỤC VỤ CON NGƯỜI