TRƯỜNG SA HÔM NAY

Mái ấm nơi đảo xa

(NT0) Trong những dãy nhà cấp 4 len lỏi sau tán bàng vuông luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc của những trẻ thơ. Bằng việc phát huy nội lực cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân huyện đảo Trường Sa đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chí thú làm ăn

Một tổ ấm văn hóa ở Trường Sa. Trong ảnh: Gia đình anh Huỳnh Viên – chị Nguyễn Thị Thúy Vân.

Như bao gia đình, ngôi nhà của vợ chồng chị Trần Thị Nga (xã đảo Song Tử Tây) là sản phẩm của chương trình hỗ trợ nhà ở cho ngư dân của Chính phủ được quân dân huyện đảo Trường Sa triển khai xây dựng trong những năm gần đây. Với tổng diện tích 200 mét vuông, trong đó 104 mét vuông là diện tích ở, thiết kế gồm ba phòng: phòng khách, phòng ngủ, công trình khép kín. Phía trước là sân chơi, phía sau là vườn rau, bể nước. Tiện nghi sinh hoạt thiết yếu của các hộ gia đình như bàn ghế, giường tủ, thiết bị nghe-nhìn, thông tin liên lạc...cũng được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ. Có thể các trang bị này là bình thường so với trong đất liền nhưng ở nơi xa xôi, khó khăn này, quả thật vô cùng quý giá! Hiện tại, huyện đảo có thêm chủ trương trợ giúp cho người dân cả về ngư cụ. Ngồi vá lại tấm lưới đánh cá, anh Huỳnh Viên – một ngư dân trên xã đảo Song Tử Tây chậm rãi kể chuyện: “Mùa biển động, cả xóm chài treo lưới, có hôm tranh thủ được thời tiết thì đánh bắt gần bờ. Mùa cá khỏi phải nói. Tôi đi biển bữa kém thì để ăn rồi phơi kho dự trữ, bữa “trúng” thì nhập bếp đảo, có hôm dư dả mấy trăm ngàn. Cộng với lương nhân viên quốc phòng của vợ, kinh tế gia đình tuy không sung túc nhưng cũng đầy đủ, hạnh phúc”. Ngoài khai thác hải sản, nhân dân các xã đảo còn hướng đến việc trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Nhà nào cũng có vườn rau, đàn gà để cải thiện bữa ăn. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Dũng - bà Phạm Thị Kim Anh ở hộ số 7, xã đảo Sinh Tồn. Đàn vịt đẻ 18 con của gia đình thường xuyên cho trứng, thỉnh thoảng lại có bữa thịt vịt đãi khách đến chơi nhà. Người dân Trường Sa còn được chia sẻ kinh nghiệm tăng gia sản xuất từ bộ đội. Nhờ đó, diện tích trồng rau cải và bầu bí có hiệu quả ngày một tăng.

Anh Huỳnh Viên kiểm tra lưới chuẩn bị đánh cá.

Cũng như hộ Huỳnh Viên, Trần Văn Dũng, người dân trên đảo Trường Sa quanh năm bám biển, bám vườn. Mỗi hộ có từ 3-5 nhân khẩu, trong đó lao động chính đều có công ăn việc làm ổn định, trẻ em được chăm nom, học hành chu đáo. Vì diện tích hạn hẹp, mảnh vườn trước và sau nhà là nguồn cung cấp rau xanh chủ yếu cho bữa ăn của mỗi gia đình trên đảo. Nói là chính bởi mùa gió chướng, thừa nắng thiếu nước, vườn rau ngoe ngoắt vài cọng, quân và dân phải san sẻ rau xanh, thịt, cá hàng ngày. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cái được của đời sống nơi đây là nhân dân Trường Sa luôn đoàn kết, chăm chỉ lao động và biết vươn lên trong cuộc sống. Người dân được quân tâm từ vật chất đến tinh thần nên ai cũng phấn khởi, chí thú làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tổ ấm văn hóa

Mặc dù định cư tận nơi hải đảo xa xôi nhưng những gia đình trên quần đảo Trường Sa luôn ý thức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó nổi lên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân huyện đảo. Qua 2 năm thực hiện cuộc vận động, Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây luôn là lực lượng nồng cốt, đi đầu trong vận động chị em tham gia. Chị Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây cho biết, năm nào xã cũng phát động các phong trào hưởng ứng xây dựng đời sống văn hóa, tiêu biểu như mỗi hộ đăng ký xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa; phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... Đến nay, 100% gia đình trên đảo được công nhận Gia đình văn hóa.

Khu vui chơi dành cho thiếu nhi ở đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Ký kết hợp đồng nhân viên quốc phòng tại các đơn vị đảo, một buổi làm việc ở bộ phận hậu cần, một buổi ở nhà làm vườn, phụ nữ Trường Sa vừa làm kinh tế vừa có thời gian để chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Hơn nữa, từ nguồn thu nhập ổn định (từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng), chị em yên tâm tham gia các phong trào do Chi hội phát động. Chị Trần Thị Ngọc Nữ ở đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Đối với mình, việc chăm chỉ làm ăn, dạy dỗ các cháu nên người, hòa đồng, thân thiện với hàng xóm, láng giềng chính là xây dựng gia đình văn hóa. Từ khi được công nhận Gia đình văn hóa, cả nhà luôn có ý thức giữ vững danh hiệu này”.

Ai có dịp trở lại Trường Sa sẽ nhận thấy cuộc sống của nhân dân nơi đây có nhiều đổi mới. Nhà cửa khang trang, kinh tế vươn lên khấm khá. Khắc phục khó khăn, thiếu thốn buổi đầu lập nghiệp, những mái ấm ở Trường Sa đang từng ngày khởi sắc…

Bài 3: NHỮNG NGƯỜI “ĐƯA ĐÒ” Ở TRƯỜNG SA