Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm được thành lập vào ngày 19/1/1993. Trung tâm đang trưng bày hơn 1.000 hiện vật với nhiều hiện vật phong phú và đa dạng, những hiện vật ở đây không những có giá trị về mặt văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh mà còn khá gần gũi, quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Chăm như các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày, các công cụ trong lao động sản xuất, vật dụng dùng trong các nghi thức... Đến nay, Trung tâm đã tổ chức khảo sát, điền dã khắp các làng Chăm trong và ngoài tỉnh, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu văn hóa Chăm và Raglai như: Lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, hôn nhân gia đình, nông nghiệp, thủy lợi...; sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử như: Bò thần Nandin, kiếm, bia kut, mộ chum, chóe, nhạc cụ, máy đánh chữ Chăm, bình vôi, hộp klong, gạch, lá đề, tai tháp, trang sức, xe trâu, đồ nông cụ, gia dụng... Hằng năm, có khoảng hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, nhiều sinh viên đến tìm hiểu và nghiên cứu tư liệu tại đây.