Dẫn chúng tôi tham quan khu sinh hoạt của mọi người, với khuôn viên rộng hơn 4 ha, chia thành nhiều khu vực: Khu nhà ăn, khu nhà ngủ, khu giải trí... của cơ sở đang nuôi dưỡng 65 người thuộc các lứa tuổi, trong đó phần đông là người già bị tâm thần. Tất cả họ đều không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, thậm chí nhiều người không nhớ nổi tên mình. Chúng tôi ấn tượng nhất là không gian ở đây có rất nhiều cây xanh thoáng mát, các cụ ngồi ở hàng ghế đá cùng nhau xem ti vi như những người bình thường, trong ngôi nhà chung bình yên, là mái ấm sinh sống của sự đùm bọc, sẻ chia đầy yêu thương...
Ông Trần Châu (bên phải) trò chuyện với bệnh nhân đang chăm sóc, điều trị tại cơ sở.
Chia sẻ về sự ra đời của mái ấm, ông Châu cho biết, trước đây ông là giáo viên dạy học ở một trường trên địa bàn và gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Nam nên ngay từ nhỏ ông đã được truyền dạy nghề bốc thuốc. Sau mỗi giờ lên lớp, ông lại bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân. Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân từ các nơi tìm về và được ông chữa trị, sau khi khỏi, đã âm thầm gửi tiền thuốc để cảm ơn. Đến năm 1995, số tiền ơn nghĩa đã lên đến 30 triệu đồng, ông quyết định dùng số tiền mua đất, xây nhà, mua thêm chăn màn để giúp cho những người lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa có chỗ che nắng, che mưa. Đến năm 2004, Cơ sở BTXH Trần Châu được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động.
Trong số những trường hợp nhận về chăm sóc, ông Châu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau xót xảy ra cách đây chục năm, nhưng đã tiếp thêm động lực cho ông quyết tâm xây dựng cơ sở thật sự là nơi chia cơm, sẻ chia áo cho người lang thang. Đó là anh Trần Huy, một người câm bẩm sinh và mắc bệnh ung thư gan, không có người thân, không tên, không chứng minh thư, đi lang thang khắp nơi và được người dân tại tỉnh Bình Thuận đưa ra cơ sở và được ông đặt tên là Trần Huy. Anh Huy sống tại đây được 4 năm thì mất. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, anh Huy nhìn ông với ánh mắt như bày tỏ sự cảm ơn mối ân tình mà ông đã tận tâm chăm sóc, chữa bệnh cho anh những năm qua... Nhớ đến anh Huy, bản thân ông Châu rất thương cảm, vì vậy ông càng nặng tình với những mảnh đời bất hạnh.
Bằng nhiều cách khác nhau, những người không máu mủ ruột thịt đã tìm đến Cơ sở BTXH Trần Châu. Không ai quen biết ai, cũng chẳng hoàn cảnh nào giống nhau, từ những người tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật đều được ông nhận về nuôi và chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ như chăm sóc cho chính người thân ruột thịt của mình.
Mọi hoạt động từ ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ cho người bệnh đến vệ sinh khuôn viên cơ sở đều do ông Châu và 3 nhân viên đảm nhận. Nhiều khi mọi người đau ốm, ông Châu như thức trắng đêm để chăm sóc; với những người bệnh ở đây tâm trí không minh mẫn, ông Châu luôn dùng sự kiên trì, nhẫn nại tiếp xúc, trò chuyện để hiểu về họ. Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác, trong suốt 27 năm qua, ông Châu không hề nhận một đồng tiền công hay một đặc ân nào cho riêng mình. Để duy trì hoạt động, ông tự bỏ kinh phí và những bệnh nhân được ông bốc thuốc chữa hết bệnh cũng đã hỗ trợ để cùng chăm lo chỗ ăn, ở, quần áo... tươm tất cho mỗi người ở đây. Khó mà nói hết tình thương yêu, sự bao bọc, đức hy sinh, vất vả của ông và nhân viên Cơ sở BTXH Trần Châu. Bởi trong số hàng chục em nhỏ được cưu mang tại cơ sở, đã có một em học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định; có em còn đang theo học ở cấp trung học. Và cơ sở đã chữa lành cho hơn 100 người, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng về với gia đình. Giờ đây, tuổi đời cũng không còn trẻ, ông Châu cũng không tránh khỏi những khó khăn trong việc chăm sóc, nhận nuôi những mảnh đời bất hạnh này. Nhìn khuôn mặt đôn hậu và nụ cười của ông, tôi hiểu, niềm vui, niềm hạnh phúc của ông là thấy những mảnh đời bất hạnh được chăm sóc, nuôi dưỡng, được đi học để xây dựng tương lai. Nhìn mọi người mắc bệnh tâm thần được phục hồi trí nhớ, trở về với người thân, gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chia tay cơ sở, chúng tôi vẫn còn nhớ tấm bảng ở trong khuôn viên được ông Trần Châu ghi lại xem như bản di chúc, với ý nguyện để lại toàn bộ tài sản cho những bệnh nhân cũng chính là tấm lòng vô điều kiện mà ông dành tặng cho những số phận đang được cưu mang ở Cơ sở BTXH Trần Châu. Giữa cái lạnh se sắt của ngày mùa đông, nhưng trong lòng tôi thấy thật ấm áp, lan tỏa tình người... vì có những người như ông Châu, góp thêm những nghĩa cử cao đẹp, chung tay giúp đỡ những phận người kém may mắn có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Kim Thùy