Sự kiện di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã ghi một dấu mốc đặc biệt trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Ngay sau thông tin di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, bản thân tôi và người dân Bàu Trúc rất phấn khởi, tự hào. Khi được UNESCO công nhận như vậy, tạo động lực cho bà con phấn khởi hơn, cố gắng cùng tham gia để bảo tồn nghề làm gốm truyền thống nhiều hơn. Từ đó, giữ gìn nghề làm gốm mà ông bà đã truyền lại cho con cháu đến ngày nay.
Các nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Xinh và Đổng Thị Sữa chế tác gốm Chăm. Ảnh: S.Ngọc
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề gốm ở Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một nhưng nay đã khởi sắc với nhiều tín hiệu đáng mừng. Làng gốm Bàu Trúc hiện có 975 hộ; trong đó, có hơn 300 hộ làm gốm. Nghề làm gốm đang ngày càng phát triển, trong làng có 1 hợp tác xã, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên, tạo ra nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng gốm trang trí nhà vườn của các gia đình, khách sạn, resort trên toàn quốc. Không chỉ đổi mới sản xuất, làng gốm Chăm Bàu Trúc còn tìm ra một hướng đi mới nhằm quảng bá sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng. Trong khuôn khổ Dự án Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng Bàu Trúc, do Hội đồng Anh phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cùng địa phương triển khai, người dân trong làng đã được hướng dẫn, đào tạo đón tiếp khách du lịch, tiếp thị sản phẩm, dạy khách cách làm bánh và các món ăn truyền thống của người Chăm. Nhờ vậy, thu nhập của người dân có sự cải thiện đáng kể bên cạnh nguồn thu từ các sản phẩm gốm.
Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc đang là một trong những điểm đến tham quan nổi tiếng của Ninh Thuận. Đồng chí Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, cho rằng: Đây là niềm vinh dự đối với đồng bào Chăm nói chung và bà con làng gốm thị trấn Phước Dân. Để được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể nhân loại thì không có niềm vui nào diễn tả hết khát khao của bà con. Đây cũng là điều kiện, cơ hội vô cùng quan trọng để quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để người ta biết gốm đồng bào Chăm trên địa bàn thị trấn Phước Dân, thu hút du khách trong và ngoài nước đến địa phương ngày càng nhiều hơn.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là DSVH phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO đã đánh giá hồ sơ di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đáp ứng đủ 5 tiêu chí được Công ước đề ra và ghi danh di sản vào Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách DSVH cần bảo vệ khẩn cấp một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của người dân hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, qua đó góp phần không nhỏ giới thiệu đến bạn bè quốc tế về những DSVH đặc sắc của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ, giúp đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng DSVH phi vật thể Việt Nam.
Bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào Danh sách DSVH cần bảo vệ khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND dân tỉnh, chia sẻ: Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn một di sản được thế giới công nhận. Do đó trong thời gian tới, tỉnh cần phải phát huy những giá trị đích thực của di sản, đồng thời gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương để những giá trị này đem lại lợi ích chung cho xã hội cũng như cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.
Xuân Bính