Ninh Phước: phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022

Thực hiện nhiệm vụ năm 2022, trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước đã tận dụng được các thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức kịp thời triển khai kế hoạch, các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), qua đó đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Những kết quả nổi bật

Ngay từ đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển KT-XH đề ra trong năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. UBND huyện đã triển khai 167 nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, đến cuối năm có 10/11 chỉ tiêu và hầu hết các nhiệm vụ chủ yếu đạt và vượt so với quyết định của UBND tỉnh và Nghị quyết HĐND huyện giao. Riêng về kinh tế có 3/3 chỉ tiêu vượt; trong đó tổng giá trị sản xuất các ngành 9.844,03 tỷ đồng, tăng trưởng 11,33%; thu ngân sách 91,98 tỷ đồng, vượt 10% chỉ tiêu tỉnh giao và vượt 7% theo Nghị quyết HĐND huyện giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 64,45 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp có nhiều tín hiệu khởi sắc; huyện đã thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng cây, con chủ lực có lợi thế để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm, giá trị sản xuất 2.553,89 tỷ đồng, đạt 96,84% kế hoạch, tăng 6,95%; diện tích cây trồng đạt 22.669 ha, vượt 9,1% kế hoạch năm; tổng sản lượng lương thực đạt 98.457 tấn, vượt 11% kế hoạch năm. Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 94,09 ha, vượt 56,8% chỉ tiêu tỉnh giao. Tiếp tục thực hiện các mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm; trong đó nhân rộng 2.353,2 ha/15 cánh đồng lớn, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao; nhân rộng mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser lên 45,8 ha, tăng 3 ha so với năm 2021.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: V.M

Đối với lĩnh vực công nghiệp, trong năm, huyện triển khai thi công 2 dự án: Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và điện mặt trời Phước Thái 3, với tổng công suất 150 MW, vốn đầu tư 2.363,3 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn huyện hoàn thành 13 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 489,221 MW, vốn đầu tư 15.161,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư, xây dựng cũng được chú trọng. Huyện đã hoàn thành thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2021và hoàn thiện hồ sơ, thi công các công trình đầu tư năm 2022. Phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 71 công trình, kế hoạch lựa chọn nhà thầu 66 công trình, quyết toán 40 công trình. Đến cuối năm giải ngân 75,473 tỷ đồng, đạt 95,56% kế hoạch. Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, huyện chú trọng phát triển các loại hình tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa cơ khí, gia công sắt nhôm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV. Phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc thù như rượu vang nho, mật nho, siro nho,... ở xã Phước Thuận; táo sấy, nho sấy, thịt dê cừu qua chế biến ở các xã: Phước Thuận và Phước Hậu, trà măng tây xanh ở xã An Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã tổ chức đánh giá thực trạng tiêu chí xã, thôn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Hiện nay đang làm thủ tục đề nghị công nhận xã Phước Thái, Phước Hậu và An Hải đạt chuẩn NTM nâng cao; lập thủ tục công nhận thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn; thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu; thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận đạt thôn NTM kiểu mẫu. Tổ chức đánh giá, đề nghị UBND tỉnh công nhận 16 sản phẩm OCOP đủ điều kiện theo quy định. Công tác vệ sinh môi trường tiếp tục được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được thực hiện hiệu quả. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 3.502 lao động, vượt 20,75% kế hoạch năm; trong đó xuất khẩu 48 lao động, vượt 84,61% kế hoạch; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai đầy đủ, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Tiếp đà phát triển

Xác định việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục có nhiều thuận lợi với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện. Bên cạnh đó với những kết đạt được trên các lĩnh vực, nhất là dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn... Nhưng qua đánh giá tình hình chung, huyện cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chương trình xây dựng NTM còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chưa đạt tiến độ đề ra; tỷ lệ thu ngân sách từ đất đạt thấp so với kế hoạch; công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa ngăn chặn kịp thời khi mới phát sinh... Trên cơ sở đó, UBND huyện đã đề ra mục tiêu chủ yếu cần triển khai thực hiện, như: Tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả; thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện, trong đó lấy nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 11.084,38 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 71,76 triệu đồng. Trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.761,48 tỷ đồng, tăng 8,13%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp đạt 5.086,81 tỷ đồng, tăng 13,64%; giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại - dịch vụ 3.236,09 tỷ đồng, tăng 15,01% so với năm 2022. Tăng cường công tác thu ngân sách, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất, xử lý các khoản nợ thuế, phấn đấu thu đạt 90,7 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ngân hàng gắn với kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân; toàn huyện phấn đấu huy động vốn đạt 758,6 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.792,8 tỷ đồng.

Với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được trong năm 2023 và những kết quả đạt được như đã nêu trên, có thể nói đây là nền tảng cơ sở, tạo thế và lực để Ninh Phước tiếp tục đổi mới sáng tạo, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.