Thời gian qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh nói chung, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước nói riêng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, đã có nhiều chuyển biến tích cực: Ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng cao; thường xuyên lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác đối thoại, tiếp công dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được quan tâm thực hiện; công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo thực hiện và xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; việc đối thoại của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp chưa thường xuyên; vẫn còn những vụ việc kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương công khai một số chương trình, dự án chưa chặt chẽ, đôi lúc còn chậm, dẫn đến một số trường hợp khiếu nại, thắc mắc của nhân dân. Nhận thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền còn hạn chế; có lúc, có nơi nặng về hành chính, xem nhẹ việc vận động, thuyết phục; một số ít cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ còn gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong thời gian tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung như sau:
1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác dân vận gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thẩm tra, quyết định, giám sát các chủ trương chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân vận chính quyền, nhất là việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, kiến nghị của nhân dân. Khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh phải hướng đến nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân vì nhân dân. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong giám sát, xử lý các vấn đề kiến nghị của cử tri.
3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Trung ương và Tỉnh ủy thành chương trình, kế hoạch; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến tổ chức, doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/9/2021 về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 11/11/2021 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; nâng cao chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); đẩy mạnh dịch vụ công.
Chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các loại hình, công khai, dân chủ. Tập trung vào những lĩnh vực có tính nhạy cảm, dễ phát sinh bức xúc, không để tồn đọng, kéo dài; thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp và các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc thi, hội thi về công tác dân vận chính quyền để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính, giải quyết đất đai, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương, thực hiện văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
4. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực cơ quan nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong thực thi công vụ.
5. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hóa nội dung Chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình đạt hiệu quả.
6. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt phong cách dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”.
7. Các ban đảng và Văn phòng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị phù hợp với cơ quan, đơn vị; phối hợp tham mưu các vấn đề trọng tâm liên quan công tác dân vận:
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác dân vận có kinh nghiệm, uy tín, có kỹ năng, nghiệp vụ và phong cách dân vận.
- Ban Nội chính Tỉnh ủy triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhất là người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên không gương mẫu, vi phạm đạo đức, lối sống, mất đoàn kết nội bộ; công khai kết quả xử lý theo quy định; từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
- Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị.
8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo, đài, hệ thống cơ quan tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên và dư luận xã hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
9. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chương trình dân vận cụ thể từng năm gắn với chương trình định hướng phát triển theo các nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo xuyên suốt đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hàng năm sơ kết đánh giá kết quả để rút ra các mô hình dân vận hiệu quả. Đồng thời, tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung Chỉ thị; định kỳ báo cáo, tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi, đảng bộ.