Năm 2022, tình hình KT-XH trên địa bàn huyện Thuận Nam từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19. 12/12 chỉ tiêu KT-XH huyện đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện ước đạt 10.897 tỷ đồng, bằng 80,9% so với năm 2021. Các ngành thương mại, dịch vụ, hoạt động kinh doanh từng bước phát triển trở lại; thời tiết diễn biến thuận lợi nên nông, lâm nghiệp, thủy sản có bước tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7.400 tỷ đồng, đạt 103% so với khế hoạch; thu ngân sách nhà nước 85 tỷ đồng, đạt 104% dự toán HĐND huyện giao và đạt 113% dự toán tỉnh giao. Công tác triển khai, chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch đầu tư công; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định.
UBND huyện Thuận Nam họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Năm 2023, huyện Thuận Nam đề ra 12 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện; trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 116,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7.000 tỷ đồng; tỷ lệ giảm hộ nghèo từ 1,2%-1,5%; tổng giá trị sản xuất các ngành khoảng 11.600 tỷ đồng... Để hoàn thành nhiệm vụ, UBND huyện đề ra giải pháp tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước huyện, xã theo hướng linh hoạt, sâu sát và có trọng tâm, trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các nguồn lực bên ngoài để triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách...
Ngọc Diệp