Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Hun Sen cho biết thỏa thuận thương mại lớn của khu vực đánh dấu một thành tựu quan trọng đối với ASEAN khi khối đang đẩy mạnh nỗ lực mở cửa nền kinh tế và đa dạng hóa thị trường khu vực.
Ông tin rằng thỏa thuận tự do thương mại quy mô lớn này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại trong và ngoài ASEAN, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn. Là thành viên của RCEP, Campuchia tái khẳng định cam kết đối với hệ thống thương mại dựa trên nguyên tắc và hoan nghênh tất cả các doanh nghiệp cũng như các khoản đầu tư từ các nước ASEAN và các đối tác khác.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thủ tướng Hun Sen cho rằng tình hình và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn “mong manh” và dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng mới trong bối cảnh thế giới liên tiếp đối mặt với những thách thức mới và ngày càng phức tạp về kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh “ASEAN phải tiếp tục tuân thủ nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương và tăng cường tự do hóa thương mại, thúc đẩy trở thành một khu vực mở, minh bạch và bao trùm”. Ông Hun Sen tái khẳng định việc duy trì vị trí trung tâm và sự thống nhất của ASEAN là yếu tố quan trọng để xây dựng các mối quan hệ toàn cầu và khu vực.
Trong khi đó, ông Thong Mengdavid, nhà nghiên cứu Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở tại Phnom Penh, nhận định RCEP mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn cho các nước thành viên ASEAN trong việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực sản xuất. Chuyên gia này khẳng định: “Thỏa thuận thương mại RCEP nâng cao vai trò của chủ nghĩa đa phương trên cơ sở trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy hợp tác và các hoạt động thương mại hòa bình trong thời kỳ hậu đại dịch”.
Các nước tham gia ký kết RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo TTXVN/Báo Tin tức