Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 5/11, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn, đồng thời Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời và làm rõ các nội dung có liên quan.

Theo đó, sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây chính là những vấn đề gợi mở để Bộ tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành mình. Về việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành Y tế, Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.

Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch COVID-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt …

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, Bộ trưởng thừa nhận, dù chính sách tốt, nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ đánh giá lại một cách tổng thể, toàn diện việc thực hiện chủ trương thu hút nhân lực, nghiên cứu xây dựng nghị định mới về thu hút, tuyển dụng tài năng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã thay thế Nghị định cũ, đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ công chức cấp xã được nâng lên, liên thông với cấp huyện, cấp tỉnh. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục chăm lo, xây dựng chất lượng cán bộ công chức cấp xã.

Phát biểu về một số vấn đề đại biểu nêu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị năm 2008, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Tiếp đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra. Kết quả, việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019 - 2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã nêu một số tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trường hợp cần có chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng; kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối cũng như giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành Trung ương. Chính phủ cũng đã quán triệt tất cả các bộ, tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định, cơ quan có liên quan và tạo được sự đồng thuận để đưa ra nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra

Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân; công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Làm rõ thêm một số thông tin về hoạt động thanh tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về vấn đề chậm kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân là do nhiều cuộc thanh tra có quy mô hớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.

Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém, vướng mắc còn tồn tại và khó khăn, thách thức phải vượt qua. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã tâm huyết đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong quản lý, điều hành.

Chính phủ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng, phù hợp, khả thi của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. Trong đó, có nhiều vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện, xử lý từng bước có hiệu quả; nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải quyết, khắc phục cả trước mắt và lâu dài.

Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023.

Theo TTXVN/Báo Tin tức