Chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Thực hiện trách nhiệm giải trình, tạo sự đồng thuận xã hội

Chiều 5/11, sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm

Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều câu hỏi trực diện, thẳng thắn, sắc sảo về các vấn đề nóng. Cùng với chủ đề đưa ra, nhiều đại biểu thể hiện rõ sự quan tâm đến thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, về việc nhu cầu cát san lấp xây dựng hiện nay là rất lớn nhưng tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở, sụt lún, gây bức xúc trong xã hội, giải pháp cho vấn đề này như thế nào; về phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông đã được các đại biểu tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác… Nội dung này cũng đã được nhiều đại biểu đặt ra những câu hỏi cụ thể, liên quan trực tiếp đến người dân như các cuộc gọi lừa đảo biết đầy đủ thông tin về người dân, quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, phản cảm xảy ra trên nền tảng xuyên biên giới...

Nội dung được các đại biểu tập trung vào Nhóm vấn đề Nội vụ gồm: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức… Các đại biểu đã thẳng thắn đưa ra những đánh giá cho rằng, xếp loại cán bộ, công chức vẫn chưa thực chất, làm rõ việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức? Giải quyết những khó khăn, bất cập đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Nguyên nhân, giải pháp trong việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức dôi dư; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thực hiện hiệu quả tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập…

Thuộc nhóm lĩnh vực Thanh tra, các đại biểu tập trung vào nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng... Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi về giải pháp căn cơ trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, về những câu chuyện thời sự liên quan đến đời sống dân sinh hiện nay như việc nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít gây bức xúc cho người dân…

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, có 22 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Sự quan tâm của đại biểu Quốc hội cũng là ý chí của cử tri

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Chiều 5/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đánh giá thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cũng phản ánh lại ý kiến nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”; vẫn còn tư tưởng làm ít sai ít. Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) nêu, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời nội dung đại biểu chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch… Việt Nam là quốc gia đang đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, trong 35 năm đổi mới, đạt được thành tích rất lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài…

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho trước mắt và lâu dài, cam kết khắc phục những tồn tại, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Ở lĩnh vực Nội vụ, với 107 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, tranh luận là con số ấn tượng. Với tinh thần cầu thị, không né tránh, lần đầu tiên ngồi “ghế nóng”, trên cương vị “Tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã hoàn thành trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đưa ra các giải pháp, trong đó nổi bật là hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế đánh giá cán bộ công chức, viên chức 1 cách đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng, xuyên suốt, có tiêu chí và sản phẩm cụ thể; đồng thời xác định vị trí việc làm, khung năng lực theo vị trí việc làm cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để có công cụ đánh giá thực chất…

Không khí chất vấn, tranh luận tại Nghị trường trong những ngày qua cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội, đồng hành cùng Trưởng ngành tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc đặt ra… Trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra, nổi bật đó là “lời hứa” sẽ xây dựng nghị định và tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo hành lang pháp lý vững chắc. Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh cuộc gọi rác. Về lâu dài, Bộ chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn; sẽ thanh tra toàn diện trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin cá nhân…

Phát biểu sau phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quốc Phương đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của cử tri và nhân dân. Tuy lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo điều hành thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nắm rõ tình hình, thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, trả lời đầy đủ, bao quát, đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, các nhóm nội dung mà Bộ trưởng trả lời được các đại biểu và cử tri cả nước rất quan tâm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến quy hoạch; việc xử lý các sai phạm trong quy hoạch diễn ra trong thời gian dài và giải pháp giải quyết triệt để. Bộ trưởng nắm rõ những tồn tại, hạn chế trong ngành và đưa ra giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước. Với những giải pháp được Bộ trưởng nêu, theo đại biểu, điều quan trọng nhất là phải có lộ trình thực hiện. Có những giải pháp lâu dài như việc hoàn thiện thể chế thì không thể ngày một ngày hai nhưng có những giải pháp lại cần phải thực thi ngay, nếu để chậm không chỉ xảy ra tình trạng dự án treo, quy hoạch treo mà ngay các các văn bản quy phạm pháp luật... cũng treo!

Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm hướng đúng trọng tâm

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri Lê Vũ (Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, các đại biểu tham gia chất vấn đã đưa ra những câu hỏi sát với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời gợi mở những giải pháp trong quá trình quản lý, điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra, nhìn nhận thẳng thắn. Qua đó, Chính phủ có thể tập trung nghiên cứu, giải quyết những tồn tại, khắc phục yếu kém, đưa ra mục tiêu và kế hoạch hướng đến trong năm 2023.

"Thẳng thắn, mạnh mẽ, không né tránh, đúng trọng tâm" là ý kiến của nhiều cử tri tỉnh Quảng Bình sau khi theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo cử tri Võ Văn Thắng (thường trú tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nội dung đặt câu hỏi của các đại biểu về lĩnh vực Nội vụ đều mang tính bao quát cao, gắn với những vấn đề hiện hữu mà xã hội quan tâm như khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với lĩnh vực Thanh tra thì các câu hỏi chủ yếu tập trung vào các giải pháp ngăn chặn, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao chất lượng đạo đức công vụ của cán bộ Thanh tra…

Cử tri Mai Đức Dương, Giám đốc Công ty Xây dựng và Tư vấn Đức Phú (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thanh tra được ông quan tâm nhất. Qua theo dõi thấy kết quả đạt được của công tác thanh tra là lớn, năm sau thường cao hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều vấn đề mà ông và nhiều cử tri băn khoăn như có nhiều vụ việc thanh tra chậm kết luận; công tác thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, chưa được như mong muốn kỳ vọng của cử tri và xã hội.

Còn theo Đại tá Nguyễn Trần Hiếu, nguyên Chính ủy Trường Quân sự thành phố Cần Thơ và cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), Chủ tọa đã điều hành tốt các phiên chất vấn, đảm bảo thời gian hỏi của đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng. Các đại biểu đã có sự chuẩn bị kỹ càng vấn đề chất vấn, những nội dung hỏi đã đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri. Công tác điều hành các phiên chất vấn đã được Chủ tọa kỳ họp thực hiện tốt, thể hiện sự linh hoạt, đúng giờ, đi vào trọng tâm, qua đó giúp nhiều đại biểu có thể tham gia chất vấn. Đây là điều quan trọng bởi những nội dung nêu ra chất vấn là tổng hợp ý kiến cử tri của các địa phương trên cả nước, những vấn đề bức xúc đang được dư luận, xã hội quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề, đổi mới phương pháp chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, cùng với tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước của người chất vấn và người trả lời chất vấn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm các nội dung chất vấn hướng đúng trọng tâm; qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được kết quả thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn đối với các quyền hạn được giao. Với tinh thần dân chủ, công khai, hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận của từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện cũng như việc theo dõi, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.

Theo TTXVN/Báo Tin tức