Chiều 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý) và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ tiếp tục phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Không chủ quan trước những tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2022 là một năm mà chúng ta đã phải trải qua thời gian hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đều nảy sinh nhiều vấn đề không thể lường trước những tác động tiêu cực do khách quan đem lại. Những vấn đề tiêu cực thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, khó lường và vượt xa những dự báo, nhiều vấn đề chưa thấy có tiền lệ. Đặc biệt lạm phát khiến lãi suất tăng cao đã gây ra khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt, dẫn đến khủng hoảng và những bất ổn về chính trị và xã hội ở một số quốc gia cũng là nguyên nhân bất lợi.
Ở trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất cập như các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh, năng suất lao động cũng như khả năng phục hồi của các doanh nghiệp….đang còn nhiều bất cập, hạn chế. Tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhưng kết quả đạt được theo báo cáo của Chính phủ thì rất đáng phấn khởi. Đó là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát, đồng hành và chỉ đạo từ sớm, từ xa của Quốc hội, sự kịp thời linh hoạt, chính xác trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đạt được kết quả như hiện nay.
Bộ trưởng cũng giải trình thêm về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó khẳng định đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn, trong đó 76,5% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng kiến nghị nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi chúng ta đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư, như vậy sẽ giảm được 6 đến 8 tháng về tiến độ triển khai.
Về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng khẳng định đây là chương trình rất lớn và lần đầu tiên thực hiện quy mô lớn đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí và trục lợi vì vậy phải ban hành nhiều chính sách để quản lý. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn triển khai chương trình này…
Hoàn thiện pháp luật trong mua và đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Chiều cùng ngày, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong hai ngày qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập đến ba nội dung. Cụ thể, về chính sách tài khóa của năm 2022, theo Bộ trưởng, chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột cho nền kinh tế. Thu ngân sách đạt được 1 triệu 614,1 ngàn tỷ đồng, tức là vượt khoảng 202,4 ngàn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2021. Đặc biệt là thu nội địa vẫn đạt tăng trưởng 9,8%. Theo Bộ trưởng, nhờ Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp, 2022 là một năm giảm thuế nhiều nhất, tức là giảm 233 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng để thực hiện giãn, hoãn và gia hạn thuế, miễn là 151.237 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của ngành thuế. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, 9 tháng năm 2022 đã thu được 3.167 tỷ đồng/37 tập đoàn công nghệ của quốc tế như Youtube, Google, Microsoft, Tiktok...
Về dự toán ngân sách năm 2023, theo ông Hồ Đức Phớc, năm 2023 dự báo sẽ là một năm rất khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao (giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng 10,86%, giá nguyên vật liệu trong nước tăng 6%); lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, tỷ giá đồng USD tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn cũng rất khó khăn. Đặc biệt, lạm phát của thế giới và lãi suất thế giới tăng cao và còn tác động mạnh mẽ đến điều hành kinh tế - xã hội trong năm 2023. "Chi phí đẩy thì tăng cao, mà cầu kéo suy giảm xuống, cho nên sản xuất kinh doanh của chúng ta dự kiến có thể nói là khó khăn", Bộ trưởng nói.
Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Ngoài ra, trước ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm rõ trong bối cảnh hiện nay mức bội chi đề ra là hợp lý. Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao.
Về thị trường chứng khoán, vấn đề kiểm soát nợ cá nhân, trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên nguyên tắc là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. “Sắp tới chúng tôi đề xuất sẽ sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng cho biết.
Về vấn đề xăng, dầu, theo Bộ trưởng Tài chính, nhu cầu xăng, dầu của đất nước khoảng 19,2 triệu tấn/năm. Hiện nay chúng ta có 2 nhà máy sản xuất, đó là nhà máy lọc dầu Bình Sơn là 6,2 triệu tấn, 9 tháng vừa qua đạt 4,4 triệu tấn, đạt 70% kế hoạch, tức là đạt sản lượng đề ra. Còn lại ở Nghi Sơn đạt 6,8 triệu tấn, 9 tháng mới đạt được 4,3%, tức là vẫn thiếu hụt nguồn cung. Với 34 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, 9 tháng nhập được 3,97%; trong quý III nhập khẩu xăng, dầu giảm 40%...
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu một số giải pháp trong điều hành giá xăng dầu (đã giảm thuế môi trường xuống 3.000 đồng/1 lít; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu giảm từ 20% xuống còn 10%, đã có văn bản xin ý kiến của các số công ty đầu mối và ý kiến của Bộ Công Thương về nâng chi phí định mức), giá thuốc và vật tư y tế Bộ Tài chính đã sửa Thông tư 58... Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan góp phần đảm bảo cho việc mua và đấu thầu vật tư y tế và thuốc một cách thuận lợi nhất cũng như đảm bảo nguồn cung xăng, dầu một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức