Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Cử tri tin tưởng vào những quyết sách kịp thời

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Qua theo dõi trên sóng truyền hình, cử tri Huỳnh Văn Bến ở khu phố Phú Ân, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đánh giá cao các nội dung, vấn đề đại biểu thảo luận và làm việc tại kỳ họp. Bởi tất cả các vấn đề người dân quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước nói chung và từng tỉnh, thành phố nói riêng đều đã được Quốc hội phân tích, giải đáp rõ ràng.

Cử tri Huỳnh Văn Bến cho biết, ông thường xuyên cập nhật tình hình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV qua phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua các kênh thông tin của Thông tấn xã Việt Nam. Qua theo dõi, ông đã nắm được một số thông tin như: một số chỉ tiêu quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt là việc Chính phủ đề xuất mức tăng trưởng GDP năm 2023 lên khoảng 6,5%, chỉ số tiêu dùng khoảng 4,5%… Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đã nêu rõ những giải pháp, phương hướng cụ thể, khoa học. Cử tri cả nước rất phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách kịp thời của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Các cử tri Trần Văn Thủy, ở xã Tam Thái và cử tri Đỗ Thị Đông ở thôn Trung Đàn, xã Tam Đàn (cùng huyện Phú Ninh) cho rằng, Chính phủ cần đề ra giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong năm 2023.

Đặc biệt, các cử tri kiến nghị, Quốc hội sớm đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nhiều sinh viên, học viên khi học xong không tìm được việc làm thích hợp. Ngoài ra, Quốc hội cần có giải pháp hợp lý giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và gia đình bởi những người này ngày càng cao tuổi, sức khỏe yếu…

Quốc hội có chế tài xử lý nghiêm đối với những tệ nạn xã hội biến tướng đang ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại Kon Tum, cử tri Đậu Thị Minh (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết, Kỳ họp thứ 4 đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, sôi nổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã điều hành kỳ họp hợp lý, bám sát nội dung. Việc trả lời của các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phần nào giải đáp được các ý kiến đối với các vấn đề nóng, vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cử tri Đậu Thị Minh đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi cho rằng, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhất là sau thời điểm đất nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 với nhiều mất mát, thiệt hại về cả người và tài sản. Không chỉ đánh giá cao những thành tựu, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm yếu”, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu đã thẳng thắn, phản ánh chân thực một số “góc khuất” của nền kinh tế - xã hội như: đầu tư công đến nay mới chỉ giải ngân được 20%, thu ngân sách tăng nhưng đến nhiều từ hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, khoáng sản là không bền vững; cần giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lãi suất, tỷ giá của các ngân hàng, tránh tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp… Những ý kiến này rất hợp ý của nhân dân, của cử tri cả nước.

Cử tri Hoàng Đình Chiểu (thành phố Kon Tum) cũng cho rằng, những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như GDP 9 tháng tăng 8,38%, xếp thứ 2 thế giới về tốc độ hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 hay kéo giảm được lạm phát cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt của Quốc hội, sự điều hành sáng suốt của Chính phủ. Trong đó, việc thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt, nhất là trong công tác bóc tách các nhóm đối tượng để hỗ trợ, thực hiện đúng theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo cử tri Hoàng Đình Chiểu, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề nóng, vấn đề được dư luận cả nước quan tâm như: lương công nhân viên chức còn thấp dẫn đến tình trạng gần 40.000 người nghỉ việc, chuyển việc, nhất là đối với ngành giáo dục và ngành y tế; cần sớm ban hành chính sách giải ngân, đầu tư công; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu xăng, dầu; cần nâng cao phát triển văn hóa, ngang tầm với phát triển kinh tế…

Theo TTXVN/Báo Tin tức