Xu thế hạn chế xuất khẩu lương thực và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam

Các doanh nghiệp ngành lương thực của Việt Nam được cho là đang có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu nhờ nhu cầu thế giới tăng cao, trong khi những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu có xu thế hạn chế xuất khẩu.

Theo CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), ngoài cuộc khủng hoảng năng lượng, việc bất ổn giữa Nga - Ukraine kéo dài còn khiến thế giới đang phải trải qua cuộc khủng khoảng lương thực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30/9 cho biết xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đã dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Nghiên cứu mới nhất của IMF ước tính 48 quốc gia thiếu lương thực nhất phải chi thêm 9 tỷ USD cho các hoạt động nhập khẩu trong năm 2022 và 2023, do giá lương thực và phân bón tăng bất ngờ bởi bất ổn ở Ukraine.

IMF cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu lương thực cũng như các biện pháp bảo hộ khác và viện nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng điều này khiến giá lúa mạch thế giới tăng cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), trước khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, quốc gia này đã có những biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với lúa mì và đường nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Ở châu Âu, do xung đột giữa Nga và Ukraine nên cả hai nước này cũng đã phải hạn chế xuất khẩu lúa mì và một số mặt hàng nông sản khác.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN

Còn nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hướng tới xu thế trên, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung và dự trữ lương thực tại nhiều quốc gia đang giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua.

Agriseco cho biết, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian đó, giá gạo lại đi ngược lại với xu hướng kể trên nhờ vào lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu.

Mặc dù vậy, việc Ấn Độ mới đây thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, cùng với đó là tình hình thời tiết khắc nhiệt ở Trung Quốc và nhiều khu vực trên thế giới khiến giá gạo tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này có tác động lớn đến các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, ngày 8/9/2022, Ấn Độ đã chính thức áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo. Theo đó, Ấn Độ cấm xuất khẩu đối với gạo tấm (chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với một số loại gạo phi - basmati khác (chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu).

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới, chiếm 37% tổng thương mại gạo toàn cầu và ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu sản phẩm này. Trong quá khứ, Ấn Độ đã từng cấm xuất khẩu gạo năm 2007 và sau đó giá gạo Việt Nam và toàn cầu đã tăng mạnh lên gấp 3 lần trong năm sau đó.

Điểm giống nhau của giai đoạn 2007 - 2008 kể trên so với hiện tại là việc Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo phi-Basmati và trong bối cảnh thế giới đều đang gặp phải những áp lực về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Mặc dù các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp dụng với gạo tấm (chỉ chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu) và một số loại gạo phi-basmati khác (chỉ chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu), nhưng đây là 2 loại gạo xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường cạnh tranh chính với Việt Nam như Trung Quốc hay Philipines.

Với việc đóng góp vào 37% giá trị thương mại gạo trên toàn cầu, bất kỳ thay đổi nào trong nguồn cung gạo của Ấn Độ ra thế giới cũng sẽ tác động lớn lên lượng tồn kho tại và giá gạo tại các nước.

Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt với sản phẩm gạo tấm. Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 360 triệu USD gạo tấm sang Trung Quốc, chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,6%. Như vậy, với việc cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu gạo của Mỹ trong năm nay dự kiến đạt 1,3 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với năm ngoái. Như vậy con số này có thể tiếp tục tăng cao kỷ lục là 1,4 triệu tấn trong năm 2023, phần lớn là gạo thơm, gạo đặc sản tới từ châu Á.

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ về gạo thơm, gạo đặc sản tăng đều trong nhiều năm qua vì những sự thay đổi tại khu vực này. Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu gạo châu Á; trong đó có Việt Nam khi gạo nhập khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo được tiêu thụ tại Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp dự báo trong bối cảnh thị trường lúa, gạo đang tăng giá, nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và giá gạo có thể cao hơn một chút trong những tuần tới.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng Tp. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 22/10; trong đó, phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.

Thời tiết bất lợi làm giảm dự báo sản lượng gạo niên vụ 2022 -2023 cho Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tổng nguồn cung xuất khẩu gạo của 3 nước này chiếm 49% tổng xuất khẩu gạo cả thế giới.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng. Sản lượng sản xuất tích cực trong niên vụ 2022 - 2023 nhờ thuận lợi về thời tiết. Các vùng trọng điểm lúa nước không bị các khó khăn hạn hán hay mưa bão.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 5,443 triệu tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo nghiên cứu ngành lúa gạo Việt Nam 2022 - 2031 của Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Research and Markets của Mỹ cũng đánh giá Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn ở Đông Nam Á, đồng thời là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới. Research and Markets cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031.

Theo đó, cơ cấu lúa gạo được điều chỉnh cùng với thay đổi quy trình canh tác, nâng cao chất lượng hơn là tăng sản lượng gạo. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước đột phá.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đối với giá sắn, một trong những cây lương thực và cũng là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện cũng cao hơn hai năm trước khoảng 20%. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sắn năm nay của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt với kim ngạch sẽ đạt trên 1,2 tỷ USD.

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi về sản lượng sản xuất và giá cả thì giá nguyên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp đang có xu hướng đảo chiều kể từ giữa năm 2022 đã tạo thêm thuận lợi cho ngành sản xuất và xuất khẩu lương thực.

Dây chuyền sản xuất của Công ty phân bón Bình Điền (Long An). Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Giá phân bón đã có xu hướng hạ nhiệt kể từ giữa năm 2022, điều này hỗ trợ cho người nông dân và các doanh nghiệp rất nhiều khi chi phí vật tư nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cấu phần chi phí của ngành.

Agriseco đánh giá xu hướng chung của giá phân bón tới cuối năm và năm sau sẽ tiếp tục hạ nhiệt trên mức nền cao của năm 2021 và 2022.

Giá dầu cũng đang nằm trong xu hướng giảm từ giữa năm, trước những lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp sản xuất gạo có khả năng cải thiện được biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng xung đột Nga - Ukraine và thời điểm này là lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp ngành lương thực Việt Nam vẫn gia tăng xuất khẩu, đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN). Đây là doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, phân phối giống cây trồng có chất lượng cao, cũng như xuất khẩu gạo thương hiệu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU).

Mảng gạo của Tập đoàn PAN cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc giá gạo có thể tăng mạnh khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra do doanh nghiệp tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao và tự chủ được về giống nên mảng gạo có biên lợi nhuận khá tốt.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp đặt ra khá tích cực với doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 755 tỷ đồng, lần lượt tăng 54,6% và tăng 48% so với năm trước.

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây do Tập đoàn PAN tổ chức, lãnh đạo công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2022 lần lượt đạt 3.643 tỷ đồng và 140 tỷ đồng lần lượt tăng tới 43% và 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả kinh doanh kể trên, Tập đoàn PAN hoàn toàn có thể thực hiện và vượt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Thực tế đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành lương thực vẫn chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 3 quý năm 2022. Tuy nhiên, với những thuận lợi có được, giới phân tích dự báo lạc quan cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lương thực niêm yết.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo doanh thu năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đạt mức tăng trưởng hai con số nhờ giá và khối lượng bán hàng sẽ có xu hướng tăng.

Doanh số bán hàng của Lộc Trời tăng nhờ nhu cầu gạo toàn cầu ngày càng tăng trong khi sản lượng từ Ấn Độ thấp hơn và nhu cầu nhập khẩu gạo cao từ Philippines.

Trên thị trường chứng khoán, dù tăng trưởng kinh doanh tích cực, do sự đi xuống của thị trường chung, cổ phiếu doanh nghiệp ngành lương thực cũng không tránh khỏi xu hướng này.

Theo đó, tính từ chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1) tới nay, TAR giảm 62,5%, AGM giảm 60,1%, LTG giảm 13,7%, PAN giảm 54,3%...

Theo TTXVN/Báo Tin tức