Tỉnh ta có địa hình đa dạng, thích hợp để phát triển các loài cây dược liệu (DL) như Xáo tam phân, Kim ngân hoa, Nghệ đen, Dây khai, Linh chi tím, Sa nhân tím và một số loài cây thuốc chứa hàm lượng tinh dầu cao như Bạc hà, Sả, Nghệ… có giá trị kinh tế cao. Kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh về khảo sát, điều tra cây DL trên địa bàn tỉnh năm 2017 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã ghi nhận Ninh Thuận hiện có 1.269 loài cây thuốc; trong đó, đã chỉ ra 82 nguồn gen quý hiếm, đặc trưng, mang tính chất bản địa, cần bảo tồn, phát triển.
Mặc dù có đa dạng về nguồn gen và loài cây DL quý, nhưng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, sản xuất giống cây thuốc và chế biến sau thu hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong đó, nguồn giống chủ yếu lấy từ tự nhiên nên không có sự đồng đều; phương pháp gieo trồng thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa có một quy trình chuẩn; cách thức chế biến sau thu hoạch cũng không áp dụng theo quy trình khoa học dẫn tới hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm bị hao hụt nhiều, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.
Một thực tế dễ thấy nữa, đó là nguồn cung DL của tỉnh ta trong những năm qua chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh. Bên cạnh đó, vì mục đích thương mại và giá trị cây thuốc cao, nên việc thu hái, khai thác DL tràn lan, khiến các loài DL tự nhiên cạn kiệt và đối diện nguy cơ tuyệt chủng. Việc trồng, chế biến DL chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát và giá trị gần như phụ thuộc thị trường thu mua từ Trung Quốc. Mặt khác, tại tỉnh còn thiếu vắng doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm DL, khiến hiệu quả kinh tế chưa cao…
Để bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, phát triển cây DL ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đưa nghề trồng cây DL trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ngày 18/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4497/KH-UBND về việc phát triển DL tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Yêu cầu của kế hoạch đề ra là tập trung phát triển các chủng loại DL hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại DL có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Trọng tâm là phát triển các loại cây DL trong định hướng gồm 25 loại như: Bách bệnh, Bách bộ, Sả, Sa nhân tím, Sâm cau, Địa liền, Gấm núi, Bòng bòng dẻo, Dây đau xương, Lô hội, Hà thủ ô đỏ, Đinh lăng, Dây khai, Sâm bố chính, Linh chi tím, Bạc hà, Nghệ , Dây thần thông, Chuối cô đơn, Kim ngân hoa, Râu mèo, Cốt toái bổ, Bách bộ, Lan gấm, Cẩu tích.
Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bảo tồn và khai thác bền vững 82 nguồn gen DL quý hiếm, đặc trưng vốn có của tỉnh. Phát triển 25 cây DL quý, đặc hữu với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển 60 cây DL với quy mô lớn phục vụ khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền của đồng bào Chăm, xã Xuân Hải. Xây dựng được vùng trồng sản xuất DL có 1 đến 2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất các DL quý, đặc hữu với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), sản xuất công nghệ cao. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại 25 DL hàng hóa trong giai đoạn 2025; Di thực 5 đến 10 cây DL quý phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Ninh Thuận, phát triển thành sản phẩm hàng hóa qui mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để phát triển cây DL phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, đảm bảo phát triển cây DL bền vững, hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Y Dược học cổ truyền, Bộ Y tế và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc cấp phép; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện GACP - WHO tại các cơ sở trồng, thu hái, chế biến DL hoạt động trên địa bàn tỉnh; cũng như quản lý các cơ sở thu gom, sơ chế và kinh doanh sản phẩm cây DL trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng DL thay thế cây trồng khác không hiệu quả; phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong chọn, lai tạo giống, bảo tồn nguồn gen DL quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng khoa học tỉnh ưu tiên thực hiện các đề tài về phát triển DL và phê duyệt các nhiệm vụ chuyển giao nhân rộng kết quả đề tài khoa học về DL đến doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa phối hợp triển khai thực hiện bảo tồn gen DL quý, đặc hữu hiện có tại 2 Vườn quốc gia. Thực hiện nghiên cứu, lập bản đồ phân bố và đề xuất các giải pháp bảo tồn hiệu quả các nguồn gen. Tham mưu, đề xuất việc phối hợp với doanh nghiệp hình thức liên kết chuỗi dự án trong nuôi trồng, phát triển DL tại hai vườn quốc gia đạt hiệu quả.
Các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng được giao, phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, cân đối kinh phí để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khuyến khích, hỗ trợ cho người dân khi tham gia sản xuất các loại DL; đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai để hỗ trợ phát triển sản xuất vùng trồng DL gắn với hoạt động du lịch… Các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch phát triển DL tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm vận động người dân khai thác DL có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các phương pháp thu hái gây tổn hại đến các loại DL quý, dẫn đến tuyệt chủng.
Đối với UBND các huyện, thành phố, ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án phát triển DL. Thực hiện công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh cây DL trên địa bàn quản lý theo kế hoạch của các ngành chức năng. Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất DL phù hợp; xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ DL cho người dân.
Phước Đức