Nâng cao cảnh giác trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của thiên tai ngày càng bất thường, nhất là tình hình mưa bão khó lường có thể gây ra nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá lăn,... trên địa bàn tỉnh, ngày 14/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4473/UBND-KTTH gửi các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương yêu cầu triển khai ngay công tác kiểm tra, nâng cao cảnh báo các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá lăn trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa lũ.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 11/2022 trở đi, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện mưa lớn và có khả năng xảy ra từ 2 - 3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối. Căn cứ đặc điểm địa hình và diễn biến lũ các năm trên lưu vực sông, suối, UBND tỉnh xác định các khu vực thường xảy ra lũ quét cần ưu tiên cứu nạn, cứu hộ đó là: Đối với địa bàn huyện Ninh Sơn, gồm khu vực đèo Ngoạn Mục, suối Sa Kai, suối Gia Chiêu, suối Tầm Ngân 1, thượng nguồn của các sông suối bắt nguồn từ Lâm Đồng trên địa bàn xã Lâm Sơn; các thôn Nha Húi, Mỹ Hiệp, Phú Thủy thuộc xã Mỹ Sơn; các thôn Tân Lập, Tân Hòa, Tân Định thuộc xã Hòa Sơn; các thôn Ú, Gia Hoa thuộc xã Ma Nới. Huyện Bác Ái, gồm: Thôn Núi Rây thuộc xã Phước Chính; thôn Suối Lở thuộc xã Phước Thành; xã Phước Bình. Huyện Thuận Bắc, gồm: Các thôn Hiệp Thành, Suối Giếng xã Công Hải; thôn Kiền Kiền 1, 2, Bà Râu 1, 2 xã Lợi Hải; thôn Ba Tháp, Gò Sạn xã Bắc Phong; xã Phước Kháng.

Các khu vực trọng điểm thường xảy sạt lở đất, đá, cụ thể là sạt lở đường, gồm: Đèo Ngoạn Mục thuộc thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn); tỉnh lộ 701 trên địa bàn xã Phước Dinh (Thuận Nam); đường ven biển đoạn Mũi Dinh đi Cà Ná; đường Suối Le – Phước Kháng, đường Phước Chiến – Phước Thành xã Phước Chiến, đoạn đường khu vực núi xuống Bình Tiên xã Công Hải (Thuận Bắc); tuyến tỉnh lộ 706 (đoạn từ xã Phước Thành, huyện Bác Ái - xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc); tuyến tỉnh lộ 707 (đoạn từ xã Phước Hòa – xã Phước Bình, huyện Bác Ái).

Suối ở xã Phước Bình (Bác Ái). Ảnh: Phan Bình

Về nguy cơ sạt lở núi, đất, gồm: Các thôn Tà Nôi, Gia Hoa thuộc xã Ma Nới; các thôn Tân Lập, Tân Định thuộc xã Hòa Sơn (Ninh Sơn); thôn Hành Rạc thuộc xã Phước Bình, các thôn Suối Lở, Ma Nai thuộc xã Phước Thành (Bác Ái); khu vực Núi Chúa xã Lợi Hải; khu vực núi thôn Đá Mài Trên (khu vực đá lăn), Cầu Đá xã Phước Kháng; khu vực núi thôn Xóm Bằng và Láng Me xã Bắc Sơn; khu vực Suối Rách phía Đông Bắc thôn Động Thông xã Phước Chiến (Thuận Bắc); thôn Sơn Hải 2 thuộc xã Phước Dinh; các thôn Thương Diêm 1, 2 xã Phước Diêm (Thuận Nam). Đối với sạt lở bờ sông, gồm: Bờ Sông Dinh tại khu vực xã Phước Sơn (Ninh Phước); Đèo Cậu thuộc địa bàn xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Để việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai cụ thể tại từng vùng, địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn quản lý, phụ trách tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao cảnh báo các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá lăn trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão phù hợp với diễn biến của tình hình mưa lũ, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, quyết liệt, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân là trên hết.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, khu vực ven sông suối, sạt lở đất, đá lăn,… nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho người dân và các hộ dân sinh sống tại khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, thiên tai để chủ động sơ tán bảo an toàn cho người và tài sản. Khi có mưa lớn kéo dài, đề nghị các xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo rộng rãi cho nhân dân, đồng thời khuyến cáo cho người dân không qua lại các khu vực nguy hiểm; cắm biển báo và tổ chức trực, hướng dẫn nhân dân thực hiện cảnh giác tại khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá lăn... Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật như: Tập kết vật liệu, xây dựng công trình trái phép gây cản trở thoát lũ...

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến tình hình mưa, bão, lũ, chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Đài thông tin duyên hải Phan Rang tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan và nhân dân biết để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh ứng phó thiên tai lũ lụt, tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải chủ trì, hướng dẫn kiểm tra, rà soát, lực lượng, vật tư, phương tiện triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong tình huống xảy ra mưa, lũ lớn kéo dài. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động, phối hợp với các địa phương chú trọng công tác kiểm tra, vận hành các hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; Tổ chức trực ban nghiêm túc, kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo an toàn theo đúng quy trình. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 chủ động điều tiết xả lũ hồ Sông Cái phù hợp với tình hình thực tế mưa lũ trong khu vực đảm bảo an toàn vùng hạ du.

Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận chủ động theo dõi, nắm biết tình hình, diễn biến thời tiết, mưa, bão, lũ; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá lăn, thiên tai để thường xuyên truyền thông, phát sóng, thông báo diễn biến và công tác ứng phó của các cấp, các ngành, địa phương để nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Trong quá trình triển khai nếu phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý.