Theo đó, dự thảo đặt ra một số yêu cầu trọng tâm: Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng; Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức giám sát các cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, đơn vị và địa phương; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng về cơ sở; Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo, rà soát, lựa chọn, đăng ký xây dựng các mô hình, điển hình cụ thể trên các lĩnh vực ở đơn vị, địa phương mình. Giới thiệu những điển hình tập thể, cá nhân tích cực, sáng tạo đạt hiệu quả để nhân rộng…
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành chỉ thị và tham gia góp ý, phản biện một số vấn đề như: Bổ sung những yêu cầu cụ thể về công tác dân vận đặt ra trong tình hình mới; dự báo tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, những tác động tích cực, tiêu cực, cơ hội và thách thức liên quan đến công tác dận vận; tính thực tiễn trong thực hiện; đưa ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế làm cơ sở để thực hiện chỉ thị; xem lại mức thời gian thực hiện chỉ thị…
Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao ý kiến tham gia phản biện đầy tâm huyết và trách nhiệm của các vị nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, chuyên gia, Hội đồng tư vấn. Để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chỉ thị, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có một báo cáo đánh giá toàn diện, sâu sắc, khoa học, thực tiễn về phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó chỉ rõ kết quả đạt được, nhận diện một cách thấu đáo, thẳng thắn những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, từ đó rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, kể cả trong công tác lãnh đạo, tổ chức để thực hiện phong trào tốt hơn trong thời gian tới. Rà soát lại nội dung dự thảo chỉ thị đúng tầm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phải bao quát, tổng thể, có những vấn đề cụ thể lớn khi Cchỉ thị được ban hành.
Kim Thùy