Di sản văn hóa góp phần tạo thương hiệu du lịch Ninh Thuận

Trong những năm qua, tỉnh đã khai thác và phát huy hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch (DL). Các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể là thành tố quan trọng tạo nên sức hút đặc biệt đối với du khách, góp phần tạo thương hiệu, hình ảnh DL mang nét riêng của tỉnh, tạo đòn bẩy và nền tảng vững chắc để DL Ninh Thuận phát triển bền vững.

Hội tụ sắc màu di sản văn hóa

Ninh Thuận - vùng đất xinh đẹp ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển DL. Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh về DL. Toàn tỉnh hiện có 239 DSVH, trong đó có 66 DSVH vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Ninh Thuận là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đang đệ trình UNESCO đưa vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây chính là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển DL.

Tạo hình các sản phẩm ở làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: S.Ngọc

Ngoài các di tích, DSVH lịch sử đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm; lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn Mã la của người Raglai; lễ hội Cầu ngư (với các hoạt động hát tuồng, hát lăng, đua thuyền rồng, lễ xuất quân đánh bắt đầu năm, nghinh Ông cầu mùa) của ngư dân vùng ven biển... Đến nay các loại hình DSVH đang đưa vào khai thác DL, tạo thêm nhiều không gian và sản phẩm phục vụ DL văn hóa cộng đồng, góp phần tạo nên những sản phẩm DL hấp dẫn, trở thành sản phẩm DL đặc biệt, thu hút du khách đến với địa phương.

Chị Huỳnh Như, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cảm nhận: Tôi đã tham quan tháp Po Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc, đồi cát Nam Cương... mỗi địa danh đều gắn liền với lịch sử văn hóa và đời sống cư dân nên rất thú vị. Ở đây có những câu chuyện xưa về lịch sử khai sinh vùng đất, có những điều bí ẩn tâm linh nơi đền tháp Chăm mà đến nay chưa lý giải, vì vậy luôn thôi thúc chúng tôi đến tham qua, khám phá. Còn du khách Trần Văn Hùng (TP. Hồ Chí Minh) tham quan làng gồm Bàu Trúc, cho rằng: Nhìn các nghệ nhân Chăm làm gốm ở Bàu Trúc cho thấy những nét tinh tế, độc đáo của văn hóa Chăm. Đây là điểm tham quan thú vị dành cho các du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa.

Ông Diệp Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội DL Ninh Thuận, cho biết: DSVH là thành tố quan trọng tạo nên sức hút đặc biệt đối với du khách, góp phần tạo thương hiệu, hình ảnh DL mang nét riêng cho Ninh Thuận. Du khách đến tham quan, trải nghiệm, thụ hưởng giá trị di sản sẽ mang theo nhiều lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ thôi thúc chính quyền và người dân địa phương biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của ông cha mà DL di sản còn đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo việc làm, cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh.

Tiếp lửa di sản

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định quan điểm chú trọng phát triển DL văn hóa, gắn phát triển DL với bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nhằm tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng của tỉnh, trọng tâm là phát triển DL biển và DL văn hóa Chăm. Theo đó, tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng, làm mới các sản phẩm dịch vụ DL, chuyển trọng tâm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, quan tâm phát triển sản phẩm DL chất lượng cao, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của vùng đất Ninh Thuận. Để khai thác và phát triển bền vững loại hình DL văn hóa, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại khu DL trọng điểm. Đồng thời, tỉnh phát triển sản phẩm, dịch vụ DL gắn với giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao.

Bãi biển Mũi Dinh (Thuận Nam) luôn thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: V.Nỷ

Nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị DSVH, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4654/KH-UBND về triển khai Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị DSVH Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của chương trình là lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai gắn với phát triển DL Ninh Thuận đến năm 2030; tu bổ, tôn tạo ít nhất 5 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; tu bổ ít nhất 10 lượt di tích cấp tỉnh. Chương trình sẽ xây dựng hồ sơ khoa học các DSVH phi vật thể có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị ghi vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, di sản thế giới.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, nghiên cứu, trình các cấp xét duyệt xếp hạng các di tích. Ngành chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, phục dựng để bảo tồn và giới thiệu DSVH, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ, nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm…

Với di tích có thể khai thác, phục vụ DL, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh và địa phương lân cận để thu hút khách DL tới tham quan, tìm hiểu về giá trị của di sản. Đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực, ý tưởng từ tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án phát triển DL nói chung và DL văn hóa nói riêng; tăng cường tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của đơn vị lữ hành nhằm giúp địa phương xây dựng sản phẩm DL mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.