Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Để tăng cường phòng, chống dịch SXH, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm triển khai các biện pháp phòng dịch, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương, không để dịch SXH bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Son, khu phố 2,
phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Gia đình bà Nguyễn Thị Son, khu phố 2, phường Mỹ Đông hiện có hai con bị SXH, bà cho biết: Hai con bị sốt ở nhà mấy ngày, gia đình cứ nghĩ bé sốt bình thường nên tự mua thuốc uống, nhưng vẫn không hết sốt, gia đình phải đưa bé nhập viện. Bệnh SXH thường gặp ở lứa tuổi từ 5-15 tuổi. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh sẽ dễ trở nặng. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên của bệnh SXH là sốt liên tục, đột ngột, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, có khi nôn ói, đau bụng, nổi những chấm xuất huyết ngoài da... Qua thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, đến ngày 25/9, trên địa bàn thành phố có 262 ca mắc SXH. Địa phương có số ca mắc cao như: Phường Văn Hải 63 ca, Mỹ Đông 35 ca, Phước Mỹ 32 ca... Nguyên nhân, do thời tiết giao mùa, mưa nhiều, tạo điều kiện cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển; công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, người dân còn lơ là các biện pháp phòng dịch dẫn đến tình trạng ca mắc SXH tăng cao.
Bác sĩ Đào Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, cho biết: Để phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu năm, Trung tâm cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tổ chức diệt lăng quăng (bọ gậy) mỗi tuần một lần và mỗi tháng tổng vệ sinh các khu vực; tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên súc rửa các vật dụng chứa nước, các vật phế thải có đọng nước, loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy); đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế điều trị kịp thời ca nhiễm bệnh, không để dịch lây lan rộng.
Xuân Thoa