Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch và sự kiện Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022

Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Thuận, hướng tới vị thế ngành kinh tế mũi nhọn

Từ ngày 30/9 đến ngày 2/10, tỉnh ta tổ chức "Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội" và sự kiện "Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội" năm 2022. Nhân sự kiện này, Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết mục đích của tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch (DL) và sự kiện ngày văn hóa, DL tại Hà Nội lần này là gì?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận và TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội của hai địa phương ngày càng khởi sắc. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công "Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội". Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, nhân dân Hà Nội và du khách. Sau hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào DL Ninh Thuận, du khách đến với Ninh Thuận không ngừng tăng lên. Năm 2019, tỉnh tiếp tục tổ chức thành công sự kiện “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” lần thứ nhất, qua đó, góp phần nâng cao giao lưu văn hóa và phát triển DL, mang lại hiệu quả cao trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa hai địa phương; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, khôi phục và đẩy nhanh phát triển DL sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; chiều ngày 30/9, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức "Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022 tại khách sạn Hà Nội Daewoo; tối cùng ngày, UBND tỉnh tổ chức khai mạc sự kiện “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022. Mỗi sự kiện, dự kiến sẽ thu hút khoảng 300-350 đại biểu tham dự (lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại sứ quán một số nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư DL...).

Du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Tháp PoKlong Garai. Ảnh: Văn Nỷ

Thông qua hội nghị và Ngày Văn hóa, DL nhằm giới thiệu, quảng bá DL, nét đẹp văn hóa các dân tộc trong tỉnh; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến và sản phẩm DL, dịch vụ của địa phương tới các doanh nghiệp DL lữ hành, các nhà đầu tư về tiềm năng và lợi thế phát triển DL của tỉnh, qua đó tạo thương hiệu, kết nối hợp tác phát triển DL Ninh Thuận trong thời gian tới; tập trung khai thác thị trường trọng điểm tại TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm góp phần tăng trưởng khách nội địa một cách bền vững. Đây còn là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác đầu tư, kết nối phát triển DL.

* Phóng viên: Trong những năm trở lại đây, DL Ninh Thuận đang được ví là “thỏi nam châm” thu hút nhà đầu tư và du khách, đồng chí có thể chia sẻ những tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư vào DL  Ninh Thuận?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Ninh Thuận là tỉnh có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau: Vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi gắn liền với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là DL. Tiềm năng DL ở Ninh Thuận là rất lớn và đã có bước phát triển tương đối mạnh mẽ, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động của ngành DL phát triển rõ nét, bình quân tăng trưởng 15%/năm về lượng khách, 17,7%/năm về doanh thu DL. Riêng trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động DL chững lại. Bước sang năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành DL tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng năm 2022, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2,19 triệu lượt khách, tăng 93,2%, vượt 115,5%; thu nhập xã hội từ hoạt động DL khoảng 1.634 tỷ đồng, tăng 124,8% so cùng kỳ, đạt 116,7% so với kế hoạch đề ra.

Khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: T.Duy

Một trong những thế mạnh và lợi thế của tỉnh về ưu đãi đầu tư, đó là Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước. Ngoài ra, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường để thu hút đầu tư vào Ninh Thuận, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại địa phương; quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư DL. Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND về ban hành Quy định cơ chế thu hút phát triển DL đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh, nhờ vậy đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư, với nhiều dự án DL với quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ DL được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng; tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng DL bền vững trong tương lai. Điển hình như các dự án: Khu nghỉ dưỡng Amanoi; Khu DL Mũi Dinh Ecopark; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang; Tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay; Nara Binh Tien Golf & Beach Resort,...

Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang được đầu tư, xây dựng với kiến trúc hiện đại tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Hệ thống cơ sở lưu trú DL tiếp tục được phát triển; đến nay toàn tỉnh có 203 cơ sở lưu trú DL với trên 4.400 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%. Hình ảnh DL Ninh Thuận cùng các điểm DL ngày càng được du khách biết đến, bình chọn và lọt vào top “Bản đồ du lịch thế giới”. Khu nghỉ dưỡng Amanoi được Tạp chí Forbes Life (Mỹ) bình chọn nằm trong “Top 10 điểm đến” hấp dẫn nhất thế giới.

* Phóng viên: Để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian đến tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Để phục hồi và phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với lợi thế đặc thù theo Nghị quyết số 115/NQ-CP, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu DL quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam. Theo đó, phát triển Khu DL quốc gia Ninh Chữ trong mối liên kết chặt chẽ với các tiềm năng DL quan trọng khác của tỉnh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhằm khai thác các giá trị và tiềm năng tổng thể để phát triển DL và KT-XH; cơ sở pháp lý về quy hoạch để quản lý, thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh, trở thành một trong các vùng DL trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế. Góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, các nguồn vốn FDI, DDI từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành DL sớm trở thành một trong các ngành trụ cột kinh tế của tỉnh. Đây được xem là “kim chỉ nam” cho tỉnh trong quy hoạch, phát triển và đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư vào lĩnh vực DL tại Ninh Thuận.

Vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Để hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng phát triển DL, tỉnh tiếp tục chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án DL. Đồng thời, thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng KT-XH, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm DL để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh DL và bất động sản DL phát triển nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ DL. Tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng không gian và thị trường DL để thu hút khách. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển DL, xây dựng văn hóa DL; tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển DL; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực DL; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực DL. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành DL kết hợp với truyền thông, quảng bá, tiếp thị trực tuyến trên các nền tảng số, các mạng xã hội. Chủ động liên kết, hợp tác các tổ chức DL trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường. Hằng năm tổ chức các chương trình (farmtrip, presstrip) khảo sát sản phẩm, giới thiệu quảng bá về DL. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới nền DL xanh bền vững, phát triển đi đôi bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, gìn giữ cảnh quan, môi trường, góp phần xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến DL đẳng cấp cao.

* Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc phỏng vấn này.