Chương trình sẽ được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã nghèo).
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Về phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, Chương trình phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.
Công chức xã Phước Diêm (Thuận Nam) ứng dụng công nghệ số giải quyết hồ sơ kịp thời cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ
Chương trình phấn đấu có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 3 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS. Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, phấn đấu có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Về xã hội số trong xây dựng NTM, phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Bên cạnh đó, Chương trình phấn đấu mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về CĐS trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: Các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM.
Tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 ở cấp xã. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,...). Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tăng cường vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thành viên, tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động, tích cực tham gia CĐS trong NTM; đẩy mạnh CĐS trong thực hiện các nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo nhiệm vụ được phân công. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về CĐS. Đặc biệt, sớm xây dựng chương trình nâng cao vai trò xung kích, tình nguyện đi đầu của lực lượng thanh niên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS. Khuyến khích và tiến đến có cơ chế để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Trần Duy