Sở Khoa học và Công nghệ: Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Trong 9 tháng năm 2022, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được các cấp, ngành tích cực triển khai, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN, ĐMST đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2022, Sở KH&CN được UBND tỉnh giao 2 nhiệm vụ trọng tâm (theo dõi, đánh giá chỉ tiêu “Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP của tỉnh năm 2022” và tham mưu hồ sơ trình Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Chương trình ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”) đến nay đã triển khai thực hiện đúng tiến độ. Hoạt động quản lý khoa học ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, tính đến tháng 9, Sở đã tổ chức theo dõi, quản lý 32 nhiệm vụ KH&CN (5 nhiệm vụ cấp quốc gia và 27 nhiệm vụ cấp tỉnh), trong số này có 7 nhiệm vụ được nghiệm thu, 8 nhiệm vụ đang triển khai các thủ tục để ký hợp đồng năm 2022. Không dừng lại đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN; hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2022, gồm 9 nhiệm vụ. Những hoạt động như tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN thực hiện 8 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia bắt đầu triển khai từ năm 2023 cũng được quan tâm thực hiện.

Nỗ lực của Sở KH&CN trong tổ chức Hội đồng nghiệm thu dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận” và “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Măng tây Ninh Thuận” đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Các nhiệm vụ “Xây dựng và vận hành mô hình tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận”, “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Tỏi Phan Rang dùng cho các sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại” được tuyển chọn triển khai thực hiện trong năm 2022 đã tạo bước đột phá trong phát triển giá trị sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung được hỗ trợ tham gia gian hàng triển lãm các sản phẩm dưa lưới.

Nhìn lại hoạt động của ngành KH&CN từ đầu năm 2022 đến nay để thấy, công tác hỗ trợ DN về KH&CN đi vào thực chất, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cụ thể, đã hỗ trợ 9 DN, tổ chức, trong đó có 4 DN được hỗ trợ về nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; 3 DN được hỗ trợ về đổi mới và áp dụng hệ thống quản trị DN thông qua áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; 2 nhiệm vụ về hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST. Tổ chức cho Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Nông sản Nhật Duy tham gia gian hàng triển lãm các sản phẩm tại sự kiện Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2022. Qua đó, tạo cơ hội cho các DN khởi nghiệp ĐMST, gặp gỡ và tiếp cận với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hoạt động về KH&CN và ĐMST trên các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị như: Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình... đã chủ động đăng ký đề xuất các đề tài dự án thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Huyện Thuận Bắc phát triển và quảng bá thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc, triển khai mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Bắc Sơn với quy mô 9 ha trồng cỏ và 60 tấn thức ăn chế biến nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân có nhu cầu trồng cỏ, chế biến thức ăn cho gia súc trong vùng. Các huyện Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái cũng đã triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn chứng nhận cho một số sản phẩm đặc thù và sản phẩm OCOP; ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đối với lúa, bắp, măng tây xanh; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình táo bao lưới chống ruồi vàng; chứng nhận mô hình VietGAP cho diện tích trồng nho.

Bám sát các nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, trong 3 tháng cuối năm 2022, Sở KH&CN triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN và ĐMST. Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển DN KH&CN trên địa bàn tỉnh, thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN theo quy định. Phối hợp với ngành chức năng sắp xếp, tổ chức ký kết, triển khai “Chương trình phối hợp hoạt động về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2022-2025”. Phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ, chia sẻ thông tin về hoạt động KH&CN và ĐMST. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2025.