Hoạt động các sở, ngành, địa phương

* Đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 448 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng giá trị nợ 438 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng giá trị nợ đạt 56 tỷ đồng, với 110 khách hàng. Ngoài ra các tổ chức tín dụng, cho vay mới với doanh số đạt 26.923 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới khách hàng doanh nghiệp 13.794 tỷ đồng; cho vay mới khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 13.129 tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới còn lại 2.599 tỷ đồng, với 5.586 khách hàng còn dư nợ; trong đó, khách hàng doanh nghiệp 1.679 tỷ đồng/345 khách hàng; khách hàng cá nhân và khách hàng khác 920 tỷ đồng/5.241 khách hàng.

* UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh khôi phục, bảo tồn 5 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 2 nghề truyền thống: Chế biến nước mắm, thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ hạt cây rừng; phát triển 3 làng nghề gắn với du lịch: TCMN đan lát Phước Chiến, Phước Bình; TCMN từ hạt cây rừng ở Vĩnh Hải. Phấn đấu có 70% nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo nâng cao kỹ năng nghề. Ngoài ra có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được người dân tin dùng. ảnh: Văn Nỷ

* Trong tháng 8, huyện Ninh Phước mở 2 lớp nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, với sự tham gia của 70 học viên, nâng tổng số từ đầu năm 2022 đến nay lên 11 lớp, với 385 lượt học viên. Toàn huyện giải quyết việc làm cho 791 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 5 người); lũy kế đến nay lên 2.863 lao động. Công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được thực hiện tốt. Đã chi trợ cấp theo Nghị định 20 của Chính phủ cho hơn 5.268 đối tượng BTXH, với số tiền 2,775 tỷ đồng; 407 đối tượng là Người có công và thân nhân, với số tiền 682,6 triệu đồng; mai táng phí đối tượng BTXH 21 người, với số tiền 151,2 triệu đồng; Tiếp nhận, tặng 2.716 suất quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh và huyện cho Người có công và thân nhân, với tổng số tiền 852,7 triệu đồng; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 294 triệu đồng, vượt 17,2% kế hoạch; vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện hơn 46 triệu đồng.